Nạn cào bay gây bức xúc đã “vào” phiên chất vấn Quốc hội

(vasep.com.vn) Nạn giã cao bay lộng hành trên biển đang gây bức xúc cho cộng đồng ngư dân đã được Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận ông Huỳnh Thanh Cảnh đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường vào sáng ngày 13/6/2017.

Ông Cảnh cho biết, thời gian qua hoạt động giã cào bay trái tuyến thường xuyên xảy ra trên vùng biển của nhiều địa phương ở ven biển, trong đó nổi lên là tỉnh Bình Thuận và có không ít tàu ngoại tỉnh vi phạm, vừa làm cạn kiệt tài nguyên, nguồn lợi thủy sản vừa gây hư hỏng, mất mát ngư lưới cụ của nghề khai thác gần bờ đã gây ra những mâu thuẫn, bức xúc trong ngư dân.

Mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã triển khai nhiều giải pháp đạt kết quả nhưng vẫn còn xảy ra rất phức tạp và gây ra những phản ứng gay gắt cho ngư dân. UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Bộ để kiến nghị một số vấn đề cần có sự chỉ đạo thống nhất chung trong cả nước và đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp xử lý có hiệu quả với tình hình trên.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng tình với ý kiến chất vấn của đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận và cho biết Bộ sẽ tiếp tục với các tỉnh tuyên truyền mạnh hơn nữa và sẽ có một số giải pháp tổng thể, chính sách tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, tập trung, bảo vệ các vùng khoanh dưỡng và tăng cường công tác kiểm ngư nhằm giám sát hoạt động sai vùng của các tàu giã cào này.

Theo Bộ trưởng Cường, nghề giã cào đang là miếng cơm manh áo của một bộ phận ngư dân nên không thể một sớm một chiều có thể cấm ngay được.

Đánh đổi nguồn lợi lấy “cần câu cơm” của giã cào, có nên không?

Nghề giã cào đang là cần câu cơm của một bộ phận ngư dân hay nậu vựa của các cảng cá và bãi ngang vùng ven biển. Tuy nhiên, cuộc sống no đủ của họ lại đang ảnh hưởng tới hàng trăm hàng ngàn ngư dân khai thác mành chụp, lưới vây vì cá lớn, cá bé, ốc gạo… đều bị tận thu. Tai hại hơn, toàn bộ lượng cá phân, ốc gạo này lại được bán ngay cho các lồng bè làm thức ăn nuôi tôm hùm ở Cam Ranh (Khánh Hòa), Sông Cầu (Phú Yên) hay các trại nuôi ếch ở Long An và một số địa phương ĐBSCL. Vừa có đầu ra, vừa lời nhanh nên nhiều tàu chuyển sang nghề lưới kéo một cách rầm rộ.

Nhiều năm nay, Bộ NN và PTNT cũng đã phối hợp với các địa phương tiến hành biện pháp như giáo dục, tuyên tuyền, cấm đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo, xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu giã cào hoạt động sai vùng. Nhưng giải pháp này chưa đủ mạnh để ngăn chặn việc “lây lan” nạn giã cào bay vì lợi ích trục lợi trước mắt. Có lẽ, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa đồng thời triệt tiêu đầu ra việc tiêu thụ “cá con” của tàu giã cào mới loại bỏ được nghề này.

Hiện nay, phạm vi hoạt động ghe giã cào đã vươn từ miền Trung tới Phan Thiết, Vũng Tàu hay Côn Đảo. Không những vét nhẵn hải sản tầng đáy, các tàu còn đánh bắt bằng thuốc nổ, trung bình mỗi chuyến đi từ 1-2 trái nổ. Lượng cá phân thu được bán với giá rẻ dưới 12.000 đồng/kg, không bán cho người ăn nên các tàu giã cào đóng bịch để bán cho các bè nuôi tôm hay nuôi ếch. Toàn bộ cá nước mặt nhất là cá cơm, cá trích, cá mó, cá bơn…có khả năng bị tận diệt và không có kịp sản sinh. Nhìn thấy nghề kéo lưới có lợi nhanh nên nguy cơ các ghe mành chụp hay lưới vây chuyển dụng cụ lưới để khai thác bất hợp pháp cao do đã bị cấm.

Do nạn giã cào hoành hành bất chấp luật pháp ảnh hưởng nặng nề tới nguồn lợi hải sản, gây nhiễu loạn an ninh biển, ngày 27/2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Bộ NN và PTNT đề nghị Bộ sớm thực hiện trên cả nước việc cấm đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào bay). Không cho phép đóng mới phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề kéo đôi); chỉ cho phép đóng mới thay thế nhằm giữ nguyên cường lực khai thác và dần kéo giảm nghề lưới kéo. Trong năm, cấm nghề lưới kéo đôi công suất lớn hơn 150 CV hoạt động khai thác thủy sản từ ngày 01-4 đến ngày 31-7 hàng năm vì đây là mùa sinh sản của các loài hải sản; dễ gây xung đột nghề nghiệp, làm mất an ninh trên biển. Đây là địa phương đầu tiên ngay đầu năm 2017 có công văn gửi Bộ NN và PTNT báo cáo và kiến nghị gấp các giải pháp ngăn chặn vấn nạn này.

Nạn cào bay đang ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng ngàn ngư dân khác thuộc các nghề lưới vây, mành chụp đang ảnh hưởng, nguồn lợi hải sản tận diệt, còn sản phẩm XK đang đứng trước nguy cơ cảnh báo cao về việc thiếu bền vững… Việc đánh đổi này liệu có đáng không? Đồng tình với kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, VASEP và cộng đồng DN hải sản Việt Nam rất mong Bộ NN và PTNT có các biện pháp khẩn cấp trước những hậu quả thấy rõ rất khôn lường!

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM