Kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 38 càng sớm càng tốt

(vasep.com.vn) Sáng ngày 14/12/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và cho ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38/2012) quy định chi tiết Luật ATTP và một số nội dung liên quan khác.

Tại cuộc họp này, phần lớn các ý kiến của các Hiệp hội ngành hàng tập trung vào đánh giá dự thảo thay thế NĐ 38/2012.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có đến 9 nội dung sửa đổi lớn trong dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012 như: Cho phép DN tự công bố sản phẩm; giảm thời gian, thủ tục tự công bố; mở rộng việc miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thay đổi căn bản trong kiểm soát về ATTP đối với thực phẩm NK; miễn ghi nhãn bắt buộc đối với sản phẩm sản xuất, NK để phục vụ việc sản xuất của tổ chức, cá nhân theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 103/NQ-CP; Thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm; Quản lý điều kiện sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phù hợp với các nước ASEAN; Thu gọn việc quản lý quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; Quy định rõ về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP.

Theo dự thảo Nghị định mới ước tính số sản phẩm tự công bố chiếm khoảng 90% hay nói cách khác là cắt giảm được 90% số lượng sản phẩm cần có Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm. Ít nhất 95% số mặt hàng không cần qua kiểm tra giảm do chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% tổng số mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra giảm. Số mặt hàng được áp dụng kiểm tra giảm là sau 3 lần kiểm tra thường và các mặt hàng được sản xuất tại các cơ sở có chứng nhận GMP, HACCP... Số mặt hàng phải áp dụng kiểm tra chặt tối đa 2% (tùy vào cảnh báo). Như vậy, ước tính số mặt hàng không phải kiểm tra Nhà nước vào khoảng 90-95% tùy thuộc vào cảnh báo và số lượng mặt hàng đạt 3 lần NK liên tiếp.

Những thay đổi căn bản về phương thức quản lý có tính chất đột phá này đã được đại diện các Hiệp hội, DN và địa phương bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ Y tế. Đồng thời, nhiều Hiệp hội và DN tha thiết kiến nghị Chính phủ sớm thông qua và ban hành nghị định mới thay thế NĐ 38/2012.

Còn Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam cho rằng, Nghị định mới thay thế Nghị  định 38 thực hiện theo xu hướng thế giới là quản lý theo nguy cơ, rủi ro về ATTP. Đây là sự đổi mới về tư duy và cần làm sao để tiếp tục hoàn thiện các quy định và hình thành thói quen, nếp làm việc, quản lý ATTP theo rủi ro. Năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung sản xuất hiệu quả có sản phẩm đạt chất lượng, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là trong bối cảnh Luật hình sự mới có hiệu lực.

Nghị định sửa đổi NĐ 38/2012 đổi quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu kỹ Dự thảo Nghị định, trong đó tập trung các giải pháp nhưng không phá vỡ nguyên tắc là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.

Có thể nói đây là một cuộc đổi mới tư duy cũng giống như quá trình đổi mới đất nước, có những cọ sát và kết quả mang lại những tiến bộ nhưng cũng còn có những việc không thể một lúc mà làm được.

Tại cuộc họp này, bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam (HAI NAM Co.,Ltd) đánh giá cao việc đối mới tư duy trong quản trị của Chính phủ. Đây là cách tiếp cận tiên tiến mà thế giới đang làm. Bà Sắc cho rằng, về quy trình quản lý ATTP trong nghị định mới thay thế NĐ 38/2012 không có gì thay đổi mà Nhà nước đang thay đổi sang phương thức mới giúp cả Nhà nước và DN tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam (HAI NAM Co.,Ltd) 

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Ương) đề nghị Bộ Y tế có thể cân nhắc thêm về việc cho phép đã có DN nhập khẩu và công bố sản phẩm rồi thì các DN khác nhập sản phẩm tương tự không phải công bố lại. Đồng thời, Bộ y tế có thể quy định rõ hơn trong dự thảo Nghị định mới đối với trường hợp sản phẩm NK chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở để tránh vướng mắc khi làm thủ tục hải quan sau này.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Ương) 

Trước đó, ngày 8/9/2017, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chủ trì cuộc đối thoại giữa 9 Hiệp hội ngành hàng và đại diện các Bộ liên quan nhằm tháo gỡ những kiến nghị sửa đổi một số quy định trong quản lý ATVSTP. Trong đó, vấn đề gây bức xúc liên quan thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại NĐ 38/2012 và Thông tư 19 của Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ phối hợp xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp về giấy chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Đây là nghị định gây nhiều vướng mắc và bức xúc đối với các DN kinh doanh thực phẩm, trong đó có DN chế biến thủy sản trong suốt hơn 2 năm qua.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM