Hải quan - Doanh nghiệp: Mối quan hệ đồng hành ngày càng hiệu quả

(vasep.com.vn) Tại buổi Tọa đàm “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành” do Tổng cục Hải quan tổ chức sáng ngày 21/6/2018 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP đánh giá cao những “cam kết” đồng hành của cơ quan hải quan đối với cộng đồng DN XNK và mong muốn mối quan hệ đối tác này sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tại cuộc tọa đàm này, một lần nữa ông Nam nêu lại những kiến nghị của VASEP trong năm qua về những bất cập mà DN thủy sản đang gặp phải khi xác định và xử lý 3% phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu vật tư dư thừa trong hợp đồng gia công. VASEP đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét và tháo gỡ triệt để vấn đề này.

Trước đó, ngày 21/11/2017, VASEP cũng đã gửi Công văn số 179/CV-VASEP phản hồi Công văn số 7166/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan trả lời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong nộp thuế phế liệu, phế phẩm, vật tư dư thừa của VASEP. VASEP cho rằng, trả lời của Tổng cục Hải quan không giải quyết được vướng mắc, bất cập của các doanh nghiệp đã báo cáo tại các Công văn số 81/2017/CV-VASEP, số 123/2017/CV-VASEP và 108/2017/CV-VASEP mà Hiệp hội đã gửi trước đó.

Trong năm 2017, nhiều DN thủy sản gặp vướng mắc khi xác định và xử lý 3% phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa trong hợp đồng gia công liên quan đến Điều 10, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế XK, thuế NK (NĐ 134) quy định: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan”.

Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 64, Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/3015 về thủ tục Hải quan; kiểm tra, giám sát Hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hoá XK, NK thì giới hạn 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu chỉ áp dụng đối với các nguyên liệu, vật tư dư thừa, không bao gồm cả phế phẩm, phế liệu.

Trong thực tế, đối với ngành Thủy sản, khi nhập nguyên liệu thủy sản về để chế biến, thì lượng phế liệu, phế phẩm luôn luôn rất cao, chiếm từ 20% đến trên 50% tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu (tùy mặt hàng). Do vậy, quy định tỷ lệ 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu (để được miễn thuế NK) áp dụng đối với cả phế liệu, phụ phẩm của ngành thủy sản là không phù hợp với thực tiễn do tỷ lệ này không bao giờ có thể đạt được.

Ngày 2/11/2017, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 7166/TCHQ-TXNK trả lời Hiệp hội VASEP, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, theo đó vẫn giữ nguyên quy định áp dụng miễn thuế chỉ cho 3% phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa trong hợp đồng gia công. VASEP kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ sửa đổi lại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134 về "Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu” cho phù hợp với thực tế, theo đó riêng đối với ngành thủy sản, tỷ lệ 3% nguyên liệu, vật tư dư thừa (đã nhập khẩu để gia công) để được miễn thuế không bao gồm phế liệu, phế phẩm.

Trong thời gian chưa sửa đổi được Nghị định 134, VASEP đề nghị Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn gửi các Cục Hải quan các tỉnh thành để cho phép đối với các nguyên liệu thủy sản NK cho gia công chỉ tính lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa, không bao gồm phế liệu, phế phẩm.

Tại cuộc tọa đàm này, ông Nam cũng nhắc lại những khó khăn của DN khi cơ quan hải quan địa phương truy thu thuế NK đối với hàng hóa là phế liệu, phế phẩm của nguyên phụ liệu NK để SXXK, theo đó phần phế liệu, phế phẩm từ quá trình SXXK còn giá trị DN bán cho một DN khác phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT.

Điều này không đúng với Điều 12 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP về cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế là nguyên liệu, vật tư... được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, tức là phần nguyên liệu nằm trong định mức sử dụng để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu sẽ được miễn thuế.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cẩn Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã và đang hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động XNK của DN. 65% lô hàng được thông quan luồng xanh nghĩa là DN đã không phải đến làm thủ tục phức tạp, mọi giao dịch thông tin trao đổi giữa cơ quan hải quan và người khai hải sản đều đã được thực hiện thông qua hệ thống điện tử.

Trong nội bộ hải quan cũng ban hành hệ thống quy định, kỷ luật thực thi công vụ công chức, đặc biệt thông qua đường dây nóng, mọi kiến nghị, phản ánh của DN và trả lời của cơ quan Hải quan đều được lưu trữ online, kiểm soát từ các Cục đến Chi cục Hải quan.

Về kiến nghị của VASEP, ông Cẩn cho rằng, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK đã quy định rõ các DN không phải quyết toán, không phải đăng ký định mức gia công với Cơ quan Hải quan mà chỉ kết nối định mức này với cơ quan Hải quan. Cơ quan hải quan chỉ giám sát trên hệ thống quá trình sản xuất, gia công của DN. Miễn sao DN phải ghi chép đầy đủ, không được mang nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu thụ nội địa nếu không có sự cho phép của Cơ quan Hải quan.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM