Đã đến lúc cần sửa đổi hoạt động kiểm tra nhập khẩu sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm

(vasep.com.vn) Tại cuộc họp ngày 04/01/2022 để đối thoại, trao đổi về những phản ánh, kiến nghị của VASEP liên quan đến “kiểm dịch” sản phẩm thủy sản nhập khẩu (NK) do Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) chủ trì với sự tham dự của nhiều đơn vị (Cục kiểm soát TTHC (VPCP), Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Thú y, Cục NAFIQAD, Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản và VASEP), đại diện VASEP cho rằng, sau hơn 10 năm, 100% sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm phải thực hiện kiểm tra NK dưới tên gọi là “kiểm dịch” mà tỷ lệ vi phạm vô cùng nhỏ (0,0012 - 0,0033%), thậm chí là 0% thì đã đến lúc Bộ NN&PTNT cần xem xét lại việc đánh giá nguy cơ, bản chất của hoạt động kiểm tra và thực hiện quản lý rủi ro cho hoạt động này. Trước hết là từ tên gọi của hoạt động này đến danh mục hàng hóa (miễn kiểm và có kiểm) và sau đó là phương thức kiểm tra (giảm - thông thường - tăng cường) đã phù hợp với các quy định hiện hành của CODEX, OIE cũng như các chỉ đạo của Chính phủ tại 2 nghị quyết (19 và 02) và các Nghị định liên quan hay chưa?

Ngày 06/01/2022, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ ngành liên quan đề nghị xem xét các Thông tư về kiểm dịch thủy sản của Bộ NN&PTNN, trong đó hoàn toàn đồng ý với nội dung các kiến nghị và các phụ lục kèm theo công văn số 127/CV-VASEP, ngày 29/11/2021 của VASEP.

Theo số liệu của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại (TFP) do USAID hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam công bố tại Hội thảo ngày 26/01/2021, trong năm 2017-2019, tỷ lệ phát hiện các lô hàng bị vi phạm về “kiểm dịch” trong những năm qua là vô cùng ít (0,0012-0,0033%), thậm chí có những năm không phát hiện thấy vi phạm. Trong khi số tờ khai “kiểm dịch” trong 01 năm luôn rất lớn, lớn hơn cả số tờ khai “ATTP” và “kiểm tra chất lượng” của tất cả 13 Bộ Ngành cộng gộp vào. Cho nên, việc Bộ NN&PTNT tiếp tục duy trì kiểm tra nhập khẩu gọi là “kiểm dịch” với phần lớn sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT ký 20/9/2021 (thay thế Thông tư 15/2018) là một điều rất đáng quan ngại.

Số lượng tờ khai các lô hàng nhập khẩu vi phạm trong quá trình kiểm tra chuyên ngành từ năm 2017 - 2019

Năm

Lĩnh vực

Nhập khẩu

Số tờ khai

Số tờ khai vi phạm

Tỷ lệ tờ khai vi phạm/tổng số tờ khai (%)

2017

Kiểm dịch

320.376

4

0,0012

An toàn thực phẩm

14.768

4

0,0271

Kiểm tra chất lượng

123.251

16

0,0130

2018

Kiểm dịch

183.831

6

0,0033

An toàn thực phẩm

102.037

3

0,0029

Kiểm tra chất lượng

74.803

15

0,0201

2019

Kiểm dịch

134.046

0

0

An toàn thực phẩm

78.684

2

0,0025

Kiểm tra chất lượng

64.540

23

0,3564

“Kiểm dịch 100%” với sản phẩm thuỷ sản chế biến đông lạnh nhập khẩu về để chế biến xuất khẩu nhằm tránh lây nhiễm bệnh trong nước có là thực chất và cần thiết?

Theo thống kê từ dữ liệu XNK của Hải quan, số các dòng hàng sản phẩm thủy sản NK (chương 16 và 03 – trừ dòng hàng 03.01 cho các thủy sản còn sống) phải kiểm tra chuyên ngành theo Thông tư 11/2021/TT-BNPTNT (TT11/2021) vẫn giữ nguyên như Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT (391 dòng).

Bộ NN&PTNT đã chuyển một số sản phẩm sang danh mục “chỉ kiểm ATTP” tại Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT có tỷ lệ nhập khẩu rất nhỏ, hầu hết để tiêu dùng trong nước là chưa thực chất trong quản lý rủi ro.

Tại Thông tư 11/2021, có 83 dòng hàng được chuyển sang danh mục “chỉ kiểm tra ATTP”, chủ yếu là các sản phẩm hun khói, khô, ngâm muối, xúc xích, vây cá mập, trứng cá… là các sản phẩm chủ yếu nhập khẩu để tiêu dùng trong nước, giá trị kim ngạch NK của nhóm các dòng hàng này là không đáng kể. Số liệu thực chất NK cho nhóm SP này chỉ chiếm 1,51% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Còn 308 dòng hàng còn lại, chiếm hơn 98% giá trị nhập khẩu, là phải “kiểm dịch” hoặc “Kiểm dịch + kiểm ATTP” nhưng đều theo cơ chế - phương thức quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26/2018) và Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT 36/2018) của Bộ NNPTNT là kiểm 100% các container nhập khẩu về Việt Nam. Nhóm hàng này chủ yếu là hàng chế biến đông lạnh, hầu hết là thực phẩm (dùng cho người) và 70-80% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm là không tiêu dùng trong nước mà sử dụng làm nguồn nguyên liệu để chế biến tiếp hàng xuất khẩu.

Như vậy, việc tiếp tục “kiểm dịch 100%” đối với sản phẩm thuỷ sản chế biến đông lạnh nhập khẩu về để chế biến xuất khẩu đi (không dùng trong nước) để nhằm bảo vệ, tránh lây nhiễm bệnh trong nước có là thực chất, cần thiết và tiếp tục không? Và nhất là kết quả “kiểm dịch” các năm qua không phát hiện vi phạm hoặc tỷ lệ phát hiện vô cùng nhỏ.

Đại diện VASEP - ông Nguyễn Hoài Nam, Phó TTK Hiệp hội phát biểu tại cuộc họp

Sản phẩm thuỷ sản chế biến đông lạnh không thể gây hay truyền bệnh cho người, sao lại phải kiểm dịch như hàng sống?

Do bản chất môi trường sống khác nhau, cũng như bản chất cơ thể khác nhau (các động vật thủy sản là động vật máu lạnh, còn con người là máu nóng) nên/và chưa thấy có thông tin hay bằng chứng nào chứng minh rằng: các tác nhân gây bệnh cho động vật thủy sản (các virus đã được liệt kê trong Chương I.3 của Bộ Luật Thú y Thủy sản của OIE)  là có khả năng gây bệnh cho con người.

Mặt khác, các sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam hoặc là được đưa vào các kho đông lạnh của hệ thống phân phối để bán cho người tiêu dùng làm thực phẩm (đối với hàng NK để kinh doanh nội địa, chiếm 15-20% tổng giá trị nhập khẩu); hoặc là được đưa vào kho đông lạnh bảo quản ở nhiệt độ dưới -180C làm nguyên liệu để chế biến tiếp cho mục đích xuất khẩu (hàng nhập để SXXK và gia công XK, chiếm 70-80% tổng giá trị NK). Do vậy, chưa thấy có bằng chứng hay bất cứ báo cáo khoa học nào về nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ các sản phẩm thủy sản NK đã được đông lạnh sang cho thủy sản sống trong môi trường xung quanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định kiểm dịch thủy sản NK trong thời gian qua lại đưa toàn bộ các sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh vào trong danh mục phải kiểm dịch thủy sản với lý do  nhằm mục đích để ngăn ngừa dịch bệnh (cho động vật và cho người).

Việc ngăn chặn một “bệnh dịch” cho một đối tượng nào đó thì phải có đánh giá rủi ro cho đối tượng “động vật” bản địa cụ thể đó. Việc này đã được OIE quy định và hướng dẫn hàng năm rất rõ ràng. Nhưng đến nay, chưa thấy có bất cứ văn bản hay báo cáo nào của Bộ NN&PTNT đưa ra được các kết quả đánh giá rủi ro dịch bệnh thủy sản nào đối với các chỉ tiêu quy định các đối tượng đang chịu sự “kiểm dịch” trong TT 26/2016 và được thay thế tại TT 36/2018.

Tuy nhiên, các quy định gọi là “kiểm dịch” thủy sản nhập khẩu trong nhiều năm qua lại đưa toàn bộ các sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh vào trong danh mục phải kiểm dịch thủy sản, chứ không phải là kiểm tra an toàn thực phẩm như các nước đang làm và như chính Bộ NN&PTNT đang làm tại khâu kiểm soát xuất khẩu đối với nhóm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm. Điều này là không có căn cứ và không đúng bản chất cũng như nguyên tắc của hoạt động kiểm dịch.

Cắt giảm hay gia tăng danh mục hàng thuỷ sản phải kiểm tra nhập khẩu là kiểm dịch?

Tại báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, cho biết, từ năm 2018 - 2021 đã cắt giảm 78% (so với năm 2017) số lượng dòng hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý.

Theo sự chuyển dịch của toàn xã hội và thực hiện Nghị quyết 19 và 02 của Chính phủ, tất cả các hoạt động kiểm tra chuyên ngành đều phải thực hiện cắt giảm, với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực.  Nên việc “giảm” như báo cáo trên, VASEP chưa thấy được thực hiện trong danh mục gần 400 dòng hàng sản phẩm thuỷ sản chế biến như cộng đồng DN thủy sản đã và đang kiến nghị, những nội dung này (của thuỷ sản) cũng đã được ghi rõ trong quyết nghị của các Nghị quyết 19 (2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (2020, 2021).

Vấn đề cốt lõi hiện nay mà các DN thủy sản thấy bức xúc và cảm giác bị “phân biệt đối xử” là dù hàng thực phẩm thuỷ sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công XK (chiếm 70 - 80%, không tiêu dùng trong nước) hay tiêu dùng nội địa, và dù vẫn một loại sản phẩm, một nguồn xuất xứ, một DN nhập khẩu trong suốt nhiều năm nhưng 100% số container về đều vẫn phải thực hiện kiểm tra, phải có ”chữ ký” của cơ quan Thú y thì mới được chuyển cho Hải quan làm thủ tục thông quan. Chi phí thời gian, chi phí cơ hội và chi phí xã hội mới là quan trọng nhất.

Như vậy, việc quản lý theo nguyên tắc rủi ro đã không được áp dụng, khiến danh mục hàng hoá phải kiểm giảm đi rất ít và 100% container NK đều phải kiểm tra. Lý do chính ở đây là các Thông tư đã đưa hầu hết hoạt động kiểm tra nhập khẩu đều là “kiểm dịch” hết; và các chuyên gia đều cho rằng, việc này nhằm không phải thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về ATTP cũng như được nằm ngoài phạm vi cải cách trong nhiều trường hợp.

Thậm chí, trong 10 năm qua, càng về sau thì đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch” trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh (từ QĐ 110/2008/QĐ-BNN, đến Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT và cuối cùng là TT 36/2018, TT 11/2021). Như vậy, ngoài việc gia tăng danh mục sản phẩm thuỷ sản phải “kiểm dịch” (bệnh), các Thông tư về “kiểm dịch” thủy sản hiện hành cũng chưa phân biệt các chỉ tiêu về “an toàn dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm” khi mà sản phẩm là thực phẩm chế biến dùng cho người.

Tạo thêm gánh nặng thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và xã hội

Theo quy định tại 3 thông tư của Bộ NN&PTNT (TT 26/2016, TT 36/2018 và TT 11/2021), 100% số container về đều phải thực hiện kiểm tra (hồ sơ & cảm quan), từng lô phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu của Cơ quan Thú y cấp thì mới được Hải quan làm thủ tục thông quan. Như vậy, mỗi container hàng sẽ phải chờ để làm thủ tục kiểm dịch ít nhất 2 ngày làm việc (đối với lô hàng chỉ phải kiểm hồ sơ và cảm quan) đến 5 ngày làm việc (đối với lô hàng phải lấy mẫu kiểm nghiệm), chưa tính đến thời gian chờ nếu bị vướng vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời gian chờ để được cán bộ thú y đến “kiểm dịch”.

Với số lượng lô hàng thủy sản NK trong 9 tháng đầu năm 2021 là 50.533 lô và chỉ tính thời gian tối thiểu cần có để làm thủ tục kiểm dịch là 2 ngày/lô thì một năm ước tính thời gian DN phải dành cho làm thủ tục kiểm dịch là gần 135 nghìn ngày và ước tính chỉ riêng chi phí tối thiểu cho việc lưu kho đã lên tới hơn 224 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ngày 04/01/2022 giữa VASEP và các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), lãnh đạo Cục Thú y cho biết, Cục tiếp thu những ý kiến của cộng đồng DN thủy sản và sẽ có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 29/11/2021 VASEP đã có Thư Thỉnh nguyện gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NNPTNT về việc chỉ đạo sửa đổi phù hợp hoạt động kiểm tra nhập khẩu có tên "kiểm dịch" đối với sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm"

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM