Ý kiến phát biểu tại Hội nghị
(ghi chép và tổng hợp bởi Mrs. Lê Hằng - PGĐ VASEP.PRO, email: lehang@vasep.com.vn)
Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú: Nếu không có giải pháp sản xuất và duy trì nguyên liệu tôm không kháng sinh, Việt Nam sẽ mất lợi thế tại Nhật Bản
Minh Phú nắm rõ quy trình từ sản xuất đến XK tôm, nên có thể thấy rõ thực trạng là cho đến nay, vấn đề EMS vẫn chưa khắc phục được. Năm 2013, Việt Nam được coi là xử lý và nuôi thành công con tôm trước dịch bệnh EMS chủ yếu là do lạm dụng kháng sinh. Nhưng hiện kháng sinh gần như không còn tác dụng với EMS nữa. Minh Phú đã thuê nhiều chuyên gia nghiên cứu và tìm giải pháp: nuôi tôm trong nhà, quy trình nuôi vi sinh… nhưng chỉ hạn chế tôm bệnh chứ chưa có hiệu quả triệt để. Vấn đề là làm sao An toàn sinh học thật tốt, nhưng ở điều kiện Việt Nam là rất khó, chi phí rất cao mới thành công. Đã có mô hình nuôi cá rô phi để xử lý dịch bệnh này, nhưng cá rô phi lại ăn tôm, nhất là tôm lột. Đã có những mô hình thành công nhưng so với trước khi có EMS thì vẫn bị sụt giảm năng suất.
Do áp lực giá tôm tăng mạnh năm 2013 nên nông dân tận dụng mọi diện tích để thả nuôi tôm, dẫn đến sản lượng tăng. Hiện giá tôm giảm mạnh và tâm lý nhà NK là đợi giá xuống đáy mới mua. Từ tháng 3 đến tháng 5 giá tôm giảm mạnh, người nuôi lại khó khăn. Hiện giá tôm sú cao, người nuôi lại đổ vào nuôi tôm sú nhưng thiếu giống.
Đầu tháng 6, giá tôm Việt Nam trên thị trường thế giới lại tăng cao, nhưng giá tôm Ấn Độ sụt giảm, đến nay thấp hơn 1 USD/kg so với tôm VN.
Do vậy rất mong Nhà nước với DN, người nuôi chúng ta phối hợp, cộng tác để ngành tôm Việt Nam năm nay phát triển trong khi chúng ta đang có lợi thế về tôm GTGT. Nếu không có giải pháp để tạo ra và duy trì nguồn nguyên liệu không kháng sinh thì sẽ mất lợi thế vì tôm GTGT chỉ có xuất tốt vào thị trường Nhật Bản. Tôm không kháng sinh đang được mua vào với giá cao gấp hơn 2 lần so với tôm có kháng sinh, nhưng vẫn khó mua. DN mua tôm nhiễm kháng sinh bị thiệt hại nhiều nên không bao giờ họ muốn mua như vậy. DN bị quá nhiều áp lực vì người bán tôm tìm mọi cách qua mặt. Minh Phú mỗi ngày mua 300 - 400 tấn tôm nguyên liệu nên khó có thể kiểm soát hết. Minh Phú đã có chiến lược mua tôm siêu sạch, tôm không ngâm, nhưng để kiểm soát được 100%, thì giá thành đội lên rất lớn.
Ông Dương Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương: Nghị định 36 làm sao phải hợp lòng dân và Doanh nghiệp
Nói chung Nghị định 36 về cá tra ra đời là cần thiết, nhưng trong đó có các điểm cần có thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho DNXK. Với các thủ tục như trong nghị định, thì mỗi lô hàng để đạt kết quả nhiều chỉ tiêu, phải đợi chứng nhận của Nafiqad mất 7-10 ngày, sau đó đăng ký với Hiệp hội cá tra thêm 3 ngày, lỡ vào cuối tuần thì lại mất thêm 5 ngày, rồi mất 1-2 ngày qua hải quan.Như vậy, để vận hành XK 1 lô hàng mất hơn 20 ngày, DN chịu lỗ bao nhiêu, cái đó bị đưa vào giá thành.
Biển Đông đang “nóng 1”, DN đang ngồi trên bờ “nóng 10”. Đặc biệt là vấn đề vốn: Ngân hàng sợ khó khăn, DN muốn vay phải có tài sản thế chấp. Như vậy sản xuất bị gò bó từ vốn liếng, đến vấn đề XH, tài chính. Do đó đề nghị NĐ 36 làm sao phải hợp lòng dân để đi vào hoạt động cho tốt; vận hành sao vừa quản lý được vừa tạo điều kiện thuận lợi cho dân và DN. Ở các nước phát triển, chủ trương chính sách đi từ DN mà ra chứ không phải từ trên xuống.
Để tháo gỡ nút thắt cho cá tra lúc thiếu lúc thừa liên quan đến vận hành tài chính. Do vận hành tài chính quá ngắn hạn, khiến nông dân và DN buộc phải bán nhanh để đáo hạn dẫn đến kéo giá xuống. Đề nghị nên vận dụng các mô hình có hiệu quả, làm sao để NĐ thúc đẩy nuôi trồng và XK, đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT có hướng dẫn đồng bộ cho các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam: Đề nghị việc hỗ trợ cho ngư dân bám biển cần có phong trào và có sự kiểm tra
Về ngành hải sản, xin được đánh giá là kim ngạch XK hàng năm vẫn tăng, nhu cầu NK vẫn tốt. Việt Nam có lợi thế bờ biển dài, nhưng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân đã được nói đi nói lại, nhưng việc thực hiện phụ thuộc vào sự hợp tác của cơ quan nhà nước với ngư dân và DN để làm sao phát triển bền vững ngành hải sản.
Đại hội toàn thể Hội viên VASEP 2014
Thực trạng ngành đánh bắt của chúng ta hiện nay là tàu thuyền thô sơ, quản lý đánh bắt yếu kém. DN bị cạnh tranh gay gắt vì thương lái Trung Quốc thu mua nguyên liệu ngay trên biển và ở bến… DN đau đầu với tình trạng này nhưng không biết làm sao với khó khăn nguyên liệu trong nước, dẫn đến xu hướng tìm nguồn hàng NK, nhưng lại không đơn giản vì nếu không nắm rõ được đối tác sẽ rất rủi ro về chất lượng, đàm phán, phương thức thanh toán…
Vì vậy, đề nghị Chính phủ phải có kế hoạch chi tiết về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt Việt Nam cần có sớm kế hoạch nuôi biển. Trước tình trạng căng thẳng Biển Đông, DN hải sản gặp khó khăn. Ngay bây giờ có thể chưa thấy, nhưng sau 6 – 8 tháng sau sẽ thấy rõ mức độ ảnh hưởng.
Cần có quy định chính sách thu hút đầu tư XD các xưởng chế biến ở các tỉnh ven biển có nguyên liệu. Quan trọng là ngư dân bám biển. Nếu Chính phủ không có hỗ trợ cho ngư dân với điều kiện kèm theo là kiểm tra chặt chẽ thì ngư dẫn sẽ không bám biển, việc này mang tính chính trị, quân sự bảo vệ đất nước, có ảnh hưởng đến ngành hải sản. Đề nghị việc hỗ trợ cho ngư dân bám biển cần có phong trào và có sự kiểm tra, nếu không sẽ không đánh giá được kết quả.
Liên quan đến vấn đề thương mại: như việc ký Hiệp định TPP và FTA chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng rõ ràng đến nay chưa có bước chuẩn bị cho DN để DN chuẩn bị sẵn sàng. Thực tế cho thấy, XK của DN Việt Nam ngày càng xuống nhưng XK của DN nước ngoài ở Việt Nam ngày càng lên. Đó không chỉ là tình trạng của riêng ngành thủy sản mà của cả các ngành khác.
Ông Đỗ Quang Sáng – Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh: Đề nghị doanh nghiệp được tham gia ý kiến trước khi ban hành chính thức quy định, chính sách
Về thông tin tình hình biên giới, mặc dù căng thẳng tại Biển Đông, nhưng ngoài biên giới ảnh hưởng giao thương giữa các DN chưa có vấn đề gì lớn. Tôi cho rằng, DN 2 nước vẫn đang cần nhau, có thể lâu dài sẽ có nhiều tác động. Nhưng tránh khả năng rủi ro trước biến động chính trị, DN cần phải xác định giao dịch gọn nhẹ, cưa đứt đục suốt.
Liên quan đến các quy định và các nhà chính sách quản lý, đề nghị : DN được tham gia ý kiến trước khi ban hành chính thức chính sách để thực tế hơn, phù hợp hơn vì DN là đối tượng thực hiện chính sách. Ví dụ quy định về tải trọng côngtenơ trên đường bộ hiện nay đang ảnh hưởng đến DN thủy sản, vì quy định của cả thế giới đang dùng là chuẩn, nhưng về Việt Nam lại khác, cứ quá tải bị phạt. Về mục tiêu ban hành chính sách thì tốt nhưng cần nghiên cứu kỹ để không phải điều chỉnh.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn: Nghị định cá tra thể hiện ý chí của nhà nước, nhưng không thể tách rời vai trò của doanh nghiệp
Năm 2014, tình hình ngành cá tra khó khăn hơn 2013 và sẽ khó hơn nữa vào 2015. Chỉ khi Nghị định cá tra đi vào thực tế có sự chỉnh sửa phù hợp thì mới giúp ngành cá tra hồi phục vào 2016.
Theo vận hành thị trường, ngành cá hình thành liên kết 2-3 -4 nhà gồm nhà máy chế biến thức ăn, người nuôi, DN chế biến và Ngân hàng. Các cơ quan ban hành chính sách cần hiểu rõ mối liên kết để đưa chính sách đi vào đời sống, giúp cho ngành cá phát triển. Không thể nói mãi chuyện DN ép giá nông dân vì thực tế không đúng. Vấn đề là phải thay đổi lại và ban hành chính sách phù hợp nhất là trong quản lý chất lượng. Cần quản lý quy hoạch vùng nuôi đồng thời quản lý chất lượng. Muốn làm chất lượng tốt thì sản lượng phải giảm.
Đối với ngành cá tra, trong trường hợp thừa nguồn nguyên liệu, Nhà nước đóng vai trò như thế nào, liệu có chính sách tồn trữ giống như gạo được không?
Nghị định cá tra ra đời là thể hiện ý chí của Nhà nước muốn sắp đặt lại ngành cá tra theo hướng tốt hơn, nhưng trong tình hình này không thể tách rời vai trò của DN.
Mong các cộng đồng, các tổ chức ban ngành, cơ quan nhà nước cần nhìn thấy bức tranh cá tra để quản lý chứ không kiểm soát. Nafiqad nên từ đơn vị kiểm soát thành người đồng hành với DN làm chất lượng. VD đối với vấn đề độ ẩm cá tra, nên quản lý có lộ trình và áp dụng độ ẩm hợp lý.
DN mong muốn cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của DN, đặc biệt là Hiệp hội cá tra. Chúng tôi đang băn khoăn về thủ tục đăng ký XK với Hiệp hội cá tra: đề nghị không nên dựa trên nền tảng khác với quy luật kinh tế thị trường, không áp đặt theo cơ chế hành chính. Hiệp hội nên lắng nghe ý kiến DN vì DN biết rõ các cơ quan quản lý như Hải quan cần thủ tục gì, Nafiqad cần giấy tờ gì. Ý kiến của DN chúng tôi có vẻ không đc ghi nhận trong các văn bản của nhà nước.
Nghị định cá tra thành công hay không phụ thuộc vào cách thức thực hiện và làm sao để nhà NK nước ngoài tin tưởng. Không cần nóng vội, mà phải triển khai từng thị trường để lấy uy tín, thậm chí có những thị trường phải bỏ ngỏ. Đến giai đoạn này Nhà nước cần đồng hành với DN để phát triển con cá này.
Ông Hồ Quốc Lực, TGĐ công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) : Vì sao giá tôm Việt Nam tăng, tôm Ấn Độ giảm?
Năm 2013 thành tựu XK tôm Việt Nam đạt 3 tỷ USD, chúng ta tự hào nhưng cũng cần nhìn lại ngành tôm còn nhiều trăn trở, thực trạng còn khó khăn nhiều và phải kể đến công lao của người nuôi tôm, các nhà máy chế biến và sự đóng góp của VASEP đã gắn kết, hỗ trợ cung cấp thông tin, XTTM, góp phần cho tiêu thụ lượng tôm khá lớn năm 2013.
Chúng ta đánh giá lại sự phát triển của con tôm XK để lý giải nghịch lý về giá của con tôm: Năm 2008, tôm Việt Nam cực kỳ trúng, nhưng những người trúng tôm bị lỗ nặng, do giá tôm Việt Nam xuống quá thấp và do kinh tế thế giới ở trong giai đoạn chao đảo nhất, nhu cầu giảm. Sau khi giảm năm 2008 – 2009, giá tôm năm 2010 tăng trở lại vì tôm sú Việt Nam là sản phẩm thay thế cho tôm nâu tại Mỹ bị sụt giảm mạnh sản lượng do vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico. Năm 2013, giá tôm Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử do dịch bệnh EMS làm giảm sản lượng tôm ở một số nước Trung Quốc, Thái Lan.
Năm 2014, tại sao tôm Việt Nam lên giá, tôm Ấn Độ lại xuống giá? Hiện nay, sản lượng tôm Trung Quốc, Thái Lan chưa hồi phục, chỉ có Ecuador và Ấn Độ đang trúng. Như vậy nguồn cung so với năm ngoái không tăng, nhưng tôm Ấn Độ bị xuống giá vì trình độ chế biến của Ấn Độ hạn chế, chủ yếu chế biến tôm block, chế biến đơn giản, giá trị thấp nên phân khúc thị trường có hạn, vì vậy khi sản lượng tăng quá mức của nhu cầu thì giá xuống. Các nhà máy Ấn Độ cũng bị áp lực vốn và nợ ngân hàng nên buộc phải bán ra với giá thấp. Nhu cầu tôm thế giới vẫn còn nhưng nhu cầu tôm Ấn Độ có hạn. Trong khi đó, trình độ chế biến của các nhà máy tôm Việt Nam cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn nên phân khúc thị trường rộng hơn. Vì vậy, tôm Việt Nam vẫn được giá.
Tuy nhiên, theo ông Lực, chúng ta phải nhìn trên góc độ toàn diện, góc độ kinh tế, quy luật cung cầu. Hiện Việt Nam đang tăng diện tích nuôi tôm nhưng không biết giá sẽ lên hay xuống, sản lượng có trúng hay không. Năm 2013 diện tích tăng nên sản lượng tăng nhưng đó là sự phát triển không bền vững và cơ quan chức năng cho rằng nhờ khắc phục được EMS. Nhưng thực tế đến nay chưa có giải pháp nào cho dịch bệnh này. Vì vậy, kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần có nghiên cứu nhanh định hướng và giúp người nuôi khắc phục dịch bệnh này. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến Thương mại cần có nghiên cứu về các tình hình nuôi tôm của các nước khác, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ để giúp ngành nuôi và chế biến tôm phát triển.
Lê Hằng
Báo cáo của ban chấp hành hiệp hội