(vasep.com.vn) Bộ Lao động Hoa Kỳ (DOL) đang thúc đẩy việc sửa đổi một quyết định cách đây 15 năm về việc sử dụng lao động trẻ em phổ biến trong ngành tôm Thái Lan.
Tôm Thái Lan từ năm 2009 đã được đưa vào "Danh sách Hàng hóa do Trẻ em hoặc Lao động Cưỡng bức Sản xuất" của Bộ Lao động Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào ngày 10/5, Bộ Lao động Hoa Kỳ đề xuất loại bỏ tôm Thái Lan khỏi danh sách này sau khi xác định việc sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức trong ngành tôm Thái Lan "đã giảm đáng kể". Quyết định này đến từ việc phối hợp giữa Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Mặc dù Bộ Lao động Hoa Kỳ thừa nhận đã nhận được thông tin về việc sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức, nhưng họ cho rằng không còn cơ sở hợp lý nào để tin rằng tình trạng này vẫn còn diễn ra.
Tuy nhiên, họ vẫn tiếp nhận ý kiến công khai về đề xuất thay đổi đến ngày 10/6/2024. Đồng thời, thông báo của Bộ Lao động Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp tôm Thái Lan từng là đối tượng của một cuộc điều tra đoạt giải Pulitzer của Associated Press, với nhiều hành vi lạm dụng sức lao động được phát hiện. Thông báo của DOL ghi nhận: "Không chỉ là những trường hợp cá biệt, nhiều trẻ em di cư đã bị cưỡng ép lao động." Tuy nhiên, "sau sự chú ý và hành động của quốc tế nhằm loại bỏ bóc lột sức lao động trong ngành thủy sản Thái Lan, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cùng các bên liên quan đã nỗ lực đáng kể để giải quyết vấn đề trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em cưỡng bức trong toàn bộ ngành, bao gồm cả lĩnh vực bóc vỏ tôm."
Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề lao động trẻ em cưỡng bức trong ngành tôm. Điều này bao gồm việc phê chuẩn các Công ước Lao động Hàng hải và Lao động trong Ngành Thủy sản của Tổ chức Lao động Quốc tế, cũng như thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, việc siết chặt quy định tuyển dụng lao động nhập cư thông qua sửa đổi Luật Bảo vệ Lao động và Pháp lệnh Hoàng gia về Quản lý Lao động Nước ngoài cũng được thực hiện để tăng cường hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, thông báo của Bộ Lao động Hoa Kỳ cũng ghi nhận các nỗ lực từ khu vực tư nhân: "Các doanh nghiệp tư nhân cũng đã hành động chống lại lao động trẻ em cưỡng bức bằng cách chính thức hóa chuỗi cung ứng của họ, loại bỏ gần như tất cả các 'xưởng chế biến tôm' không được kiểm soát, nơi trước đây từng ghi nhận tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động và lao động trẻ em cưỡng bức." - Theo bà Lee.
Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã cam kết vào năm 2022 sẽ trao quyền hợp pháp cho lao động nhập cư để thành lập các công đoàn lao động, nhưng họ vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ để thực hiện hiệu quả các chính sách chống buôn người. Ngành thủy sản Thái Lan đang phối hợp để hủy bỏ nhiều cải cách đã được thông qua trước đó. Tuy nhiên, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết họ có đủ bằng chứng về việc giảm thiểu lao động cưỡng bức và trẻ em trong ngành tôm Thái Lan. Đánh giá của họ cho thấy tình trạng này đã giảm đáng kể, chỉ còn những trường hợp cá biệt. Thái Lan đã xuất khẩu 27.826 tấn tôm sang Hoa Kỳ vào năm 2023, giảm so với năm 2022 nhưng vẫn đứng thứ 5 về tổng khối lượng.