Tôi đánh giá cao VASEP trong hoạt động vận động chính sách

Trong thời gian qua, tôi rất ấn tượng với hoạt động phản biện chính sách của VASEP. Hoạt động này của VASEP có ý nghĩa và đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp gia tăng được kim ngạch xuất khẩu, ví dụ như vấn đề về tuổi lao động, vụ kiện chống bán phá giá tôm, vấn đề về xử lý môi trường….

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đang được VASEP làm rất tốt. Hoạt động này cũng rất có ý nghĩa, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Nhìn chung tôi nhận thấy VASEP đang thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên tôi cũng muốn đề xuất VASEP cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đấu tranh chống bơm chích tạp chất, kháng sinh… trong ngành tôm. Tôi mong VASEP mạnh dạn, thẳng thắn, triệt để hơn nữa để bảo vệ và giúp đỡ cho các doanh nghiệp chân chính.

Tôm Việt: khó khăn về thị trường, áp lực cạnh tranh

Ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt với 2 thách thức. Một là, nền kinh tế đang co lại do ảnh hưởng của lạm phát khiến cho sức tiêu thụ giảm. Hai là, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, cụ thể là nguồn cung tôm giá rẻ hơn từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

Cuộc khủng hoảng trên thế giới chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn, cộng thêm thách thức chiến lược về nguồn cung tôm giá rẻ, trong khi cung vượt cầu làm cho giá tôm thành phẩm xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn giá nguyên liệu. Cho nên, người nuôi tôm bị thua lỗ và co lại, ảnh hưởng tới quy mô ngành tôm.

Bên cạnh đó, liên quan đến chi phí đầu vào chúng ta cần có cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi. Mà người đứng đầu cuộc cách mạng chính là những chủ doanh nghiệp tôm. Vì chính những người này mới có đủ nguồn lực như là về nhân lực, tài lực và khoa học công nghệ để có thể làm nên một cuộc cách mạng giảm giá thành, tăng năng suất.

Tuy nhiên, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành nuôi tôm chưa thực sự rõ ràng. Các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư nuôi tôm. Nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu NK từ bên ngoài sẽ khuyến khích đối thủ phát triển ngành nuôi tôm, đồng thời sẽ làm mai một ngành nuôi tôm trong nước và ảnh hưởng tới giá tôm trong nước, không khuyến khích được nghề nuôi tôm phát triển.

Do đó, tôi cho rằng, trong thời gian tới doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao chúng ta có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Đây là tiền đề để giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu. Đồng thời chứng minh cho người mua là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, nhà nước có vai trò lớn để phát triển ngành tôm: cần quy hoạch cơ sở hạ tầng thuận lợi cho vùng nuôi, như đường xá, kênh thủy lợi, tích tụ ruộng đất, các cơ sở hạ tầng khác và có các chính sách hỗ trợ nông dân để tránh mai một nghề nuôi.

Cơ hội từ tôm giá trị gia tăng

Nhìn chung, ngành nuôi và chế biến XK tôm đang khó, trước mắt chưa có gì sáng sủa khi mà chiến sự Nga – Ukraine và chiến tranh thương mại Trung Quốc và Mỹ chưa có hồi kết. Nhưng các DN tôm có quyết tâm và sự linh hoạt sẽ nỗ lực để vượt qua giai đoạn này.

Đứng trước thách thức này, theo tôi, với lợi thế ngành sản xuất tôm giá trị gia tăng, DN tôm Việt Nam chúng ta có thể tiếp tục phát huy để duy trì DN và giữ thị trường. Mặc dù, cuộc khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn ra, nhưng nhu cầu đối với hàng giá trị gia tăng vẫn rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại có kinh nghiệm trong nhiều năm về thị trường, về khách hàng, về sản phẩm, quản lý sản xuất… Về mặt này Việt Nam hơn hẳn các nước như Ấn Độ, hay Indonesia. Do đó, nếu chúng ta làm tốt và cố gắng duy trì qua giai đoạn này thì chúng ta sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm