Thực phẩm Sao Ta (FMC): Xuất khẩu tôm bứt phá, doanh thu tháng 1/2024 tăng 26%

Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) cho biết các nhà máy của công ty đang gấp rút chạy các đơn hàng đầu năm và lượng tôm tiêu thụ trong tháng 1/2024 đã tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực phẩm Sao Ta

Kết quả kinh doanh năm nay của Thực phẩm Sao Ta được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa cho biết sản lượng tôm thành phẩm trong tháng 1/2024 đạt 1.250 tấn, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tôm tiêu thụ đạt tới 1.614 tấn, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sản lượng nông sản thành phẩm trong kỳ giảm 20%, còn 65 tấn, nhưng sản lượng nông sản tiêu thụ tăng 16%, đạt 189 tấn.

Kết quả, Thực phẩm Sao Ta thu về 19,2 triệu USD doanh thu trong tháng 1/2024, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Các nhà máy chế biến của công ty đang tất bật chế biến trước đơn hàng, chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất đầu năm Âm lịch ngay khi vào việc lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 8 ngày. Năm nay công nhân trại tôm và lãnh đạo công ty sẽ có trải nghiệm đón cái Tết đầu tiên ở trại tôm, bởi đây là năm đầu tiên công ty triển khai tôm mùa nghịch đã thả giống từ cuối tháng 11/2023”.

Những con số trên củng cố đà phục hồi của Thực phẩm Sao Ta sau khi hoạt động kinh doanh đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023. Trong năm 2023 vừa qua, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng doanh thu thuần 5.089 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 304,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,8% và giảm 7,2% so với năm 2022.

Mặc dù kết quả kinh doanh suy giảm nhưng đây vẫn được xem là kết quả tích cực trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đã giảm tới 25% trong năm 2023. So với kế hoạch kinh doanh (đã được điều chỉnh trong tháng 10/2023), Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 101,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta thận trọng cho rằng khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít ra ở 6 tháng đầu năm 2024.

Hiện một số tổ chức tài chính nhận định hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong thời gian tới khi nhu cầu tại loạt thị trường trọng điểm hồi phục. Hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng của Thực phẩm Sao Ta trong năm 2024 có thể lần lượt đạt 6.259 tỷ đồng và 340 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 23% và 12% so với năm 2023.

cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh trong năm nay, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết sẽ theo đuổi mục tiêu khai phá thị trường lớn lân cận Việt Nam. Trong đó, công ty sẽ tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản, duy trì các thị trường đang có, chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cải tiến đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho biết, Thực phẩm Sao Ta hiện là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc.

Thị trường Nhật Bản được xem “bệ đỡ” cho hoạt động kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta trong năm 2023 vừa qua. Việc tập trung tận dụng thế mạnh chế biến sâu và chất lượng sản phẩm cao đã giúp Thực phẩm Sao Ta giành được nhiều đơn hàng lớn từ các đối tác Nhật Bản

Theo Tạp chí Công thương

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm