Doanh nghiệp thủy sản với cơ hội từ EVFTA: Chủ động đổi mới, hợp tác phát triển

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã chính thức được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp) chiều 12/2. Qua đây, các DN xuất khẩu thủy sản trong nước nói chung, tỉnh Bình Ðịnh nói riêng sẽ có thêm cơ hội phát triển. Nhưng để phát huy cơ hội này, còn nhiều việc phải làm.

Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, gần 50% dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn đang ở mức 6 - 22% sẽ được giảm về 0%. Phần còn lại với thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về 0% trong 3 - 7 năm sắp tới. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Tận dụng cơ hội

Các DN Bình Định rất quan tâm đến sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh - nhóm sản phẩm sẽ được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0%. Các sản phẩm tôm khác nằm trong lộ trình 3 - 5 năm; riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế là 7 năm. Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, phân tích: “Muốn hưởng lợi từ các ưu đãi mà EVFTA mang lại, mình phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Lợi thế của chúng tôi là đã xuất hàng sang EU và nhiều nước trên thế giới từ lâu. Việc được giảm thuế sẽ tăng sức cạnh tranh về giá với các nước khác, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ở EU. Năm 2019, DN xuất khẩu gần 800 tấn tôm đông lạnh, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,7 triệu USD; năm nay, chúng tôi phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 triệu USD”.

Chỉ riêng phần tiền thuế không phải nộp nữa đã là một khoản khá lớn, điều đó thúc đẩy các DN hướng vào thị trường EU nhiều hơn. Ông Trần Đình Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn, bộc bạch: “Lâu nay chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm 2019 việc đưa hàng vào thị trường này gặp khá nhiều khó khăn do EU cảnh cáo “thẻ vàng” và dựng hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên trước cơ hội lớn mà EVFTA mang lại chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để gia tăng sức cạnh tranh”.

Là một trong những DN xuất khẩu thủy sản lớn trong tỉnh có nhiều đột phá trong việc mở rộng thị trường mới nhằm giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng “thẻ vàng” EU, Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã tìm được nhiều khách hàng mới từ thị trường Mỹ, Trung Đông và một số nước châu Mỹ khác... vì vậy khi nhận định về những cơ hội từ EVFTA, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, thận trọng: “Trước đây, thị trường EU chiếm tỷ trọng rất cao trong doanh số xuất khẩu của chúng tôi. Từ khi chịu ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” EU, để giảm thiểu rủi ro chúng tôi khai thác thêm nhiều thị trường khác và kết quả cũng khá ổn. EVFTA mang nhiều cơ hội nhưng cũng đừng quên EU chưa rút “thẻ vàng” và vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” thì sẽ rất khó lường các rủi ro!”.

Phải đổi mới để phát triển

Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, theo Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng, trước hết các DN phải tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị trong hợp tác kinh tế quốc tế; đặc biệt chú trọng thực hiện, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trong EVFTA. Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát khung pháp lý các chính sách hỗ trợ phù hợp với EVFTA, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh các DN xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đạt hiệu quả với cam kết của Việt Nam trong EVFTA...

Cùng với cơ hội từ EVFTA, sẽ có những thách thức mới cho các DN xuất khẩu thủy sản bởi các điều kiện về rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng... sẽ chặt chẽ hơn, cạnh tranh về giá thành nhiều hơn và có nhiều quy định mới phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích: EVFTA cũng đề cập 2 bên cần tích cực tham gia đấu tranh chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), đây là việc cấp bách và quan trọng không chỉ để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU của EU mà còn đảm bảo việc tuân thủ các điều khoản trong EVFTA. Vì vậy, các DN cần nắm bắt và áp dụng linh hoạt quy tắc tại “sân chơi” EVFTA, trung thực quy tắc xuất xứ của các FTA. Nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA; tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan vì hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao. Bên cạnh đó, các DN cần phải thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.

(Theo báo Bình Định)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm