(vasep.com.vn) Nhu cầu về rong biển, sản phẩm được tiêu thụ nhiều ở châu Á như một món ăn nhẹ hoặc như một thành phần bổ sung trong các món ăn, đang bắt đầu tăng lên bên ngoài lục địa này, trong bối cảnh người dân ngày càng quan ngại về sức khỏe do đại dịch gây ra, Just Food đưa tin.
Ngoài ra, các nhà sản xuất thực phẩm và người tiêu dùng cũng tăng lượng tiêu thụ hàng ngày đối với các sản phẩm mang lại lợi ích cho cơ thể của họ và rong biển được coi là 'siêu thực phẩm' chứa nhiều vitamin như K và B12, axit folic và i-ốt. Rong biển cũng chứa các khoáng chất như kẽm, sắt, canxi, kali, phốt pho và magiê.
Tuy nhiên, lý do chính khiến nhu cầu về các sản phẩm rong biển không tăng cao ở thế giới phương Tây như ở châu Á dường như là do thiếu nhận thức hoặc giáo dục về các đặc tính của nó.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, tiêu thụ rong biển tăng nhờ quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ và kiến thức về chế độ ăn uống ngày càng được nâng cao. Theo các nhà nghiên cứu nhu cầu rong biển tăng cả ở nhà và trong các cơ sở ăn uống.
Tổng lượng rong biển tiêu thụ tăng từ khoảng 59g/tháng/người năm 2004 lên 94g/tháng/người năm 2009.
Đối với người dân thành thị, lượng rong biển tiêu thụ trung bình tại nhà là 78,09g/tháng/người và lượng rong biển tiêu thụ trung bình khi đi xa nhà là 27,54 g/tháng/người.
Đối với người dân nông thôn, lượng rong biển tiêu thụ trung bình tại nhà là 48,80g/tháng/người và lượng rong biển tiêu thụ trung bình ở nhà là 9,27g/ tháng/người.
Trung Quốc đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đã cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân. Ví dụ, trước đây chỉ có cư dân ven biển mới có thể tiếp cận với rong biển tương đối dễ dàng, nhưng giờ đây, rong biển không còn bị hạn chế theo khu vực, và ngay cả cư dân nội địa cũng có thể mua nhiều loại rong biển bất cứ lúc nào.
Kết quả cũng cho thấy rằng những cư dân có kiến thức về chế độ ăn uống tương đối cao có xu hướng tiêu thụ nhiều rong biển hơn, loại rong biển được nhiều người công nhận là một loại thực phẩm bổ dưỡng.
Một số yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng công việc và thu nhập hộ gia đình, cũng có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiêu thụ rong biển. Trong nghiên cứu cho thấy rằng những người trẻ tuổi dường như tiêu thụ nhiều rong biển hơn so với người già.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này cũng ngụ ý rằng trong khi tiêu thụ rong biển ở Trung Quốc có xu hướng ngày càng tăng, thì sự già hóa dân số ở Trung Quốc có thể cản trở sự gia tăng, điều này tương tự như kết quả nghiên cứu rằng dân số già có tác động tiêu cực đến tiêu thụ thịt của Trung Quốc”.
Khi thu nhập và thời gian làm việc của cư dân tăng lên, nhiều người có xu hướng ăn tối bên ngoài nhà hơn. Sự gia tăng lượng rong biển tiêu thụ bên ngoài có thể được đóng góp bởi việc sử dụng ngày càng nhiều rong biển trong thức ăn nhanh, chẳng hạn như sushi và súp rong biển, để tiết kiệm thời gian và đưa bữa ăn vào nhịp sống nhanh.
Mức tiêu thụ rong biển ở Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp, so với Nhật Bản và Hàn Quốc với lượng tiêu thụ trung bình khoảng 120 đến 255/tháng/người.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu về rong biển ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng này có thể mang lại những thách thức mới cho nghề trồng rong biển trong nước và thị trường rong biển quốc tế. Ngoài ra, phải đặc biệt chú ý đến quy định an toàn của rong biển ăn được vì chúng có thể chứa quá nhiều kim loại nặng do ô nhiễm đại dương.