Trung Quốc không còn là thị trường nhập khẩu “dễ tính”

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều loại nông sản và thực phẩm của nước ta, nhất là trái cây, rau củ, thủy sản và cả lúa gạo. Đây được đánh giá là thị trường còn tiềm năng phát triển bởi quy mô dân số đông và nằm giáp nước ta. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường chúng ta xuất khẩu “dễ tính” nữa bởi đã áp dụng nhiều quy định về tiêu chuẩn, chất lượng và bao bì nhãn mác đối với sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu...

Siết chặt quản lý hàng nhập khẩu

Trong những năm qua, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong chính sách quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Trung Quốc đã siết chặt và áp dụng nhiều quy định mới về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, thủy sản từ các nước được nhập khẩu chính ngạch vào nước họ. Đồng thời, kiểm soát ngày càng chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, ngăn chặn nhập khẩu hàng theo hình thức biên mậu (tiểu ngạch). Vừa qua, Trung Quốc cũng đã thông báo đến các nước về việc từ 1-1-2022 họ sẽ áp dụng 2 lệnh mới là lệnh 248 và 249 về việc các nước phải đăng ký sản phẩm thực phẩm  và doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc theo Luật An toàn thực phẩm và an toàn sinh học của họ. Theo đó, Trung Quốc có nhiều cải tiến, đổi mới trong giám sát an toàn thực phẩm, họ có các quy định ngày càng chặt chẽ về đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và cả việc ghi nhãn mác đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc. Dù có nhiều cửa khẩu với Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng có quy định cụ thể cửa khẩu nào được thông quan đối với từng loại trái cây, nông sản cụ thể. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta phải tìm hiểu, nắm kỹ thông tin.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), gần đây Trung Quốc đã gia tăng các biện pháp kiểm soát SPS (kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) và hiện Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 10-2021, Trung Quốc đã có 42 thông báo về các biện pháp SPS, gồm có 37 thông báo lấy ý kiến góp ý, 1 thông báo quy định có hiệu lực và 4 thông báo sửa đổi nội dung. Đáng chú ý, Trung Quốc đã có thông báo quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 loại thực phẩm.

Hiện nước ta đã có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long và măng cụt. Trong đó, măng cụt được xuất khẩu trên cơ sở nghị định thư đã ký giữa 2 nước. Nước ta đang tiếp tục đàm phán để mở cửa thị trường đối với sầu riêng, chanh leo, bưởi, khoai lang…Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu. Trung Quốc yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm và họ cũng áp dụng quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư và yêu cầu khai báo mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Trung Quốc cũng đã đưa danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc gồm 500 loài sinh vật gây hại thực vật, trong đó có nhiều loài gây hại phổ biến, thường đi theo kèm các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.

Cần đổi mới tư duy và hành động

Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam, cho rằng: “Cả doanh nghiệp và nông dân đều cần thay đổi nhận thức trong sản xuất, chế biến mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc. Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm “sạch”, an toàn, thân thiện với môi trường và gần gũi với thiên nhiên ngày càng tăng mạnh trên thế giới. Đặc biệt, là đối với Trung Quốc, bởi có dân số đông, kinh tế đã phát triển, số lượng người có thu nhập khá tăng cao và họ cũng đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu như các thị trường khó là Mỹ và EU. Đây là xu thế tất yếu nên nông dân và doanh nghiệp nước ta cần phải thay đổi tư duy, quan tâm áp dụng các tiêu chuẩn cao trong sản xuất nông nghiệp, đạt theo các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất hữu cơ,  Global GAP… để sản phẩm dễ dàng thâm nhập các thị trường quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ 4.0 trong nuôi trồng, chế biến, ghi nhật ký điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm...”.

Trung Quốc là thị trường hàng Việt Nam xuất khẩu rất tiềm năng nhưng không còn “dễ tính” nữa, do vậy các bộ ngành Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để có chiến lược xuất khẩu từng mặt hàng cụ thể vào thị trường Trung Quốc. Kịp thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tập huấn để nâng cao nhận thức và hành động cho cả nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An), cho rằng: “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống và quan trọng đối với nhiều loại nông sản nước ta và 2 thị trường có mối quan hệ hữu cơ qua lại. Khi thị trường Trung Quốc trở nên “khó tính”, họ tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn mới về an toàn thực phẩm, chúng ta phải kịp thời thay đổi suy nghĩ và hành động, mới bắt nhịp được yêu cầu thị trường. Do vậy, ngành chức năng cần kịp thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy thay đổi tư duy trồng trọt, chăn nuôi của nông dân để doanh nghiệp dễ dàng liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất nông sản an toàn phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục tích cực đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến ký các nghị định thư để sớm có nhiều loại nông sản, thực phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, góp phần tạo thuận lợi về đầu ra cho nông sản nước ta”. Lâu nay, thị trường Trung Quốc được nhiều nông dân, doanh nghiệp coi là thị trường dễ tính nên còn tâm lý dễ dãi trong sản xuất, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho thị trường này.

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), việc thị trường Trung Quốc tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, chất lượng đối với hàng nhập khẩu không chỉ là điều đáng lo mà còn là điều kiện để nước ta thúc đẩy thay đổi tư duy của nông dân trong sản xuất theo hướng chất lượng và an toàn gắn với hình thành các chuỗi liên kết bền vững với doanh nghiệp. Các bộ ngành Trung ương cần tăng cường phối hợp địa phương, kịp thời tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế các doanh nghiệp và vùng sản xuất để tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân và doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất, chế biến, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy mở rộng, phát triển xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. 

(Theo báo Cần Thơ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục