Khai thác lợi thế vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 25/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì họp thẩm định Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên hội đồng cũng như nỗ lực của đơn vị tư vấn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, 13 địa phương trong vùng để tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng và Nghị quyết 120 của Chính phủ với quan điểm phát triển đồng bằng sông Cửu Long theo hướng “thuận thiên”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những trọng điểm về bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-xã hội của đất nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% diện tích và 19% dân số, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% gạo xuất khẩu, 65% lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng ngân sách của Trung ương đầu tư cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chiếm 17%).

“Mặc dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác. Việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phấn đấu phê duyệt trong tháng 12 tới. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thông tin, tuyên truyền về nội dung quy hoạch đến doanh nghiệp, người dân ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, vừa tạo đồng thuận, vừa để người dân, doanh nghiệp chủ động huy động nguồn lực tham gia thực hiện quy hoạch. 

Đơn vị chủ trì (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt; rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hạ tầng giao thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trước mắt, từ nay đến 2025, sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau; Sóc Trăng-Châu Đốc-Cần Thơ-Trần Đề (khoảng 400km). Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ-hậu cần nhằm giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng. 

Lưu ý quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long cần rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần chú ý hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng,...

(Theo báo Nhân dân)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục