Doanh nghiệp thủy sản khó khăn hơn khi cước phí vận chuyển tàu biển tăng 30%

(vasep.com.vn) Bắt đầu từ ngày 01/01/2020, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ thực thi các tiêu chuẩn khí thải mới để hạn chế tình trạng ô nhiễm do các con tàu trên thế giới gây ra. Trong bối cảnh hướng đến ngành năng lượng sạch, IMO cấm các tàu vận chuyển sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5%, so với mức 3,5% hiện nay. Nhiên liệu hàng hải được sử dụng phổ biến nhất có hàm lượng lưu huỳnh khoảng 2,7%.

Các quy định mới xuất phát từ khuyến nghị của một tiểu ban tại Liên Hợp Quốc (UN) hơn một thập kỷ trước và được IMO thông qua vào năm 2016, đặt ra các quy tắc về vận chuyển an toàn, an ninh và ô nhiễm. Hơn 170 quốc gia, bao gồm Mỹ đã đồng ý ký kết nguyên tắc mới này.

Bắt đầu từ năm 2020, các tàu bị phát hiện vi phạm có nguy cơ bị tạm giữ và cảng tại các quốc gia tham gia ký kết sẽ giám sát những con tàu này.

Bước ngoặt mới trong lịch sử ngành dầu mỏ này đã được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ  tới không chỉ các nhà sản xuất dầu thô, nhà XNK, chủ tàu, công ty bảo hiểm, DN hậu cần...

Theo tính toán của Công ty quản lý tài sản Macquarie (Úc) khi biết IMO áp dụng áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với tàu biển, việc thay đổi nhiên liệu của các hãng tàu biển sẽ làm tăng khoảng 30% chi phí vận tải đường biển.

Được biết, vào tháng 6/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp vận biển quốc tế tại phía Bắc (tại Hải Phòng) và phía Nam (tại Khánh Hòa) để phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của quốc tế liên quan đến vận tải biển. Trong đó có thông báo về việc từ ngày 01/01/2020 tàu biển chạy tuyến quốc tế phải đáp ứng tiêu chuẩn dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5% của IMO.

Tại hội nghị này, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, để thực hiện quy định khắt khe này của IMO, các hãng tàu container trên thế giới bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp như: lắp đặt hệ thống lọc lưu huỳnh; chuyển sang dùng nhiên liệu MGO/MDO với chi phí cao hơn so với sử dụng nhiên liệu HFO (Heavy Fuel Oil) hoặc chuyển sang nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng LNG. Dù lựa chọn giải pháp nào, ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động không nhỏ vì các loại nhiên liệu sạch sẽ đắt tiền hơn.

Vào tháng 10/2019, nhiều DN XK thủy sản Việt Nam cũng nhận được thông báo từ các hãng tàu về việc áp dụng phụ phí lưu huỳnh thấp - LSS đối với tất cả các container hàng theo quy định IMO.

Theo phản ánh của một số DN thủy sản, hàng năm, các hãng tàu đều tăng phí với các mức tăng khác nhau không có lộ trình và không thống nhất giữa các hãng tàu. Mức phí này tăng trung bình từ 135 - 220 USD/container. Ước tính, với hàng thủy sản xuất và nhập khẩu đi Nhật Bản, DN phải trả thêm khoảng 240 USD/container, tức cước phí tăng khoảng 30%. Điều này đội thêm chi phí lớn cho các DN thủy sản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục