Cà Mau bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ sinh kế cho người dân

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng và nguồn tài nguyên thủy sản phong phú. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nguồn lợi thủy sản nên nơi đây đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng...

1.jpg

Người dân Cà Mau nhiệt tình tham gia thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Chi cục Thủy sản Cà Mau

Tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác mang tính hủy diệt, tận diệt

Ngày 26/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị 17-CT/TU, về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh. Theo Sở NN - PTNT, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2020, sản lượng khai thác giảm khoảng 15-20% so với thập kỷ trước, do nguồn cá tự nhiên suy giảm nhanh chóng. Nguồn lợi hải sản tầng đáy cũng bị suy giảm trầm trọng do phương pháp khai thác tận diệt như kéo lưới đáy. Theo báo cáo của Bộ NN - PTNT, sản lượng tôm tự nhiên tại Cà Mau đã giảm khoảng 40% so với thập niên trước.

Trước tình trạng trên, theo Giám đốc Sở NN - PTNT Phan Hoàng Vũ, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều hình thức và đã mang lại hiệu quả tích cực ban đầu, tạo thành phong trào và nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, trách nhiệm toàn dân trong chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên toàn tỉnh. Một trong những biện pháp quan trọng là quản lý chặt hoạt động khai thác thủy sản. Việc cấp phép khai thác được giám sát chặt chẽ. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là việc sử dụng các phương tiện, dụng cụ khai thác gây hại như thuốc nổ, xung điện hay lưới có mắt lưới quá nhỏ; đẩy mạnh kiểm tra tàu cá, yêu cầu trang bị thiết bị định vị và giám sát hành trình để kiểm soát hoạt động trên biển. Từ công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp được 1.809 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản; ngành chức năng tịch thu và tiêu hủy 573 bộ dụng cụ kích điện...

Tại huyện Ðầm Dơi, hiện đã tổ chức xây dựng được 71 tổ cộng đồng chống khai thác tận diệt, hủy diệt với 653 thành viên tham gia; huyện U Minh xây dựng được 4 tổ cộng đồng với 258 thành viên tham gia; huyện Ngọc Hiển đang rà soát, chọn 7 điểm dự kiến xây dựng tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản. Ðây được xem là giải pháp quan trọng tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, tận diệt.

Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản

Theo ước tính của các chuyên gia, nếu việc khai thác quá mức và không có kế hoạch phục hồi nguồn lợi biển tiếp tục diễn ra, trong vòng 10-15 năm tới, nhiều khu vực biển của Cà Mau có thể rơi vào tình trạng suy thoái không thể phục hồi. Do đó, cùng với các biện pháp hành chính nhằm hạn chế tận diệt thủy sản, Cà Mau đặc biệt chú trọng khôi phục, bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô và bãi triều - nơi sinh sản và phát triển của nhiều loài thủy sản. Việc bảo vệ rừng ngập mặn không chỉ giúp duy trì nguồn lợi thủy sản, mà còn góp phần bảo vệ bờ biển, chống xói mòn và điều hòa khí hậu. Các dự án trồng lại rừng ngập mặn đã được triển khai ở nhiều khu vực của tỉnh, thu hút sự tham gia của cả chính quyền và người dân.

Cà Mau đang thực hiện phương án “Thí điểm thiết kế, lắp đặt thiết bị cắt cáp kết hợp với chà dây để dẫn dụ cá và ngăn chặn tàu làm nghề lưới kéo hoạt động khai thác trái phép vùng biển ven bờ tỉnh Cà Mau”. Đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công lắp ráp các nhánh chà, tiến hành thả chà dây và theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình phục hồi nguồn lợi thủy sản. Tỉnh cũng đã thực hiện Dự án xây dựng hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản (thả rạn nhân tạo), hiện đang phát triển khá tốt. Cùng với đó, thực hiện dự án thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng khu bảo tồn và phát triển cá đồng tại huyện U Minh.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được đẩy mạnh. Thông qua các chương trình giáo dục và truyền thông, người dân được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, không xả thải ra sông, biển và tuân thủ các quy định về khai thác bền vững. Các cộng đồng ngư dân ven biển cũng được hỗ trợ chuyển đổi sang các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên. Đặc biệt, mô hình hợp tác giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương trong quản lý nguồn lợi thủy sản cũng đang được Cà Mau đẩy mạnh. Các tổ chức cộng đồng ngư dân tham gia vào việc giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngay tại khu vực của mình, từ đó giảm thiểu sự phụ thuộc vào các biện pháp quản lý từ phía chính quyền.

Nhờ những nỗ lực này, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần duy trì và phục hồi nguồn tài nguyên quan trọng này; vừa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, phát triển kinh tế bền vững và giữ gìn sinh kế lâu dài của cộng đồng ngư dân.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục