Cà Mau tập huấn nuôi tôm công nghệ cao cho hàng trăm người

Vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ tổ chức tập huấn nuôi tôm công nghệ cao cho 120 người ở các doanh nghiệp, hợp tác xã và gia đình đang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trong tỉnh.

Đợt tập huấn mở 3 lớp, mỗi lớp đều có 40 người học trong 3 ngày. Lớp đầu từ ngày 15 đến 17/8 cho những người ở huyện Cái Nước, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Lớp thứ hai từ ngày 22 đến 24/8 cho những người ở huyện Phú Tân và Năm Căn. Lớp cuối từ ngày 29 đến 31/8 cho những người ở huyện Ngọc Hiển và Đầm Dơi.  

Nội dung tập huấn do các chuyên gia ở Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ trình bày. Gồm nguyên lý và phương pháp nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, giảm phát thải carbon, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm và bền vững. Ương giống và nuôi tôm theo công nghệ bioflocs. Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ tuần hoàn CTU- RAS. Quản lý chất lượng nước và môi trường ao nuôi tôm. Một số bệnh thường gặp và các giải pháp phòng bệnh bằng thảo dược, vi sinh. Bên cạnh có thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế nuôi tôm của người học.

Tập huấn

 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Trung cho biết, Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 278.000 ha; trong đó nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên 6.500 ha mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh.

Trong 3 năm gần đây (2021, 2022, 2023), hàng năm tỉnh Cà Mau xuất khẩu tôm trên 230.000 tấn, kim ngạch trên 1 tỷ USD. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Mục tiêu đến năm 2030 của Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỷ USD, trong đó tôm nuôi là đối tượng chủ lực và chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu, việc tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là rất cần thiết để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng sản lượng tôm nuôi cũng như giúp ngành tôm phát triển bền vững.

Đợt tập huấn này, 120 người nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau được trực tiếp nghe các tiến sỹ đầu ngành của Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ truyền đạt kiến thức nên đã hiểu sâu hơn về kỹ thuật nuôi tôm, quản lý môi trường nước cũng như chủ động phòng ngừa bệnh cho tôm. “Hy vọng sau khi được tập huấn những kiến thức mới, hữu ích, bà con sẽ ứng dụng vào thực tiễn và truyền đạt lại cho người thân, bạn bè xung quanh để góp phần tích cực đưa ngành tôm tỉnh Cà Mau phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Trung nói.

Theo báo tepbac

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục