Xây dựng chuỗi khép kín cho nhuyễn thể xuất khẩu

Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT rất quan tâm xây dựng các chuỗi khép kín cho mặt hàng nhuyễn thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, EU…
Xây dựng chuỗi khép kín cho nhuyễn thể xuất khẩu
Nhóm sản phẩm nhuyễn thể hiện đứng trong top 5 xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam với kim ngạch khoảng 659 triệu USD/năm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhóm sản phẩm nhuyễn thể (ngao, sò, điệp, hàu, trai, tu hài,...) là một trong những nhóm nuôi trồng trọng điểm đứng trong top 5 xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam với kim ngạch khoảng 659 triệu USD.

Hiện các tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Hồng là trọng điểm về sản xuất, nuôi trồng nhóm nhuyễn thể với diện tích khoảng 41.000 ha. Những năm vừa qua, Bộ NN-PTNT rất quan tâm việc xây dựng chuỗi khép kín các mặt hàng nhuyễn thể nhằm thích ứng với yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, EU, Mỹ…

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi năm 2020 đã thúc đẩy thị trường Châu Âu nhập khẩu rất nhiều mặt hàng nhuyễn thể của Việt Nam, đặc biệt là các nước Tây Ban Nha, Hà Lan.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nhận định, trước nhu cầu nhuyễn thể ngày một tăng tại một số thị trường tiềm năng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để có thể tổ chức sản xuất nhóm nhuyễn thể một cách bài bản hơn.

Đặc biệt, theo ông Toản cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết hơn với nhóm sản phẩm nhuyễn thể, đồng thời phải gắn với việc sản xuất, nuôi trồng theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, thậm chí chỉ dẫn địa lý để có thể tương thích với nhu cầu nhập khẩu của các thị trường bậc cao.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, ngành nhuyễn thể của Việt Nam cũng cần xây dựng những thương hiệu mạnh, những tổ hợp chế biến hiện đại, khép kín.

"Cần tăng cường sự liên kết giữa các hộ nuôi trồng và các đối tác nhập khẩu chính, để không những doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần nâng cao cả nhận thức, năng lực thị trường cho bà con nhân dân nuôi trồng thủy sản. Có như vậy mới đảm bảo sinh kế cho người nông dân cùng làm giàu bằng sản phẩm nhuyễn thể này”, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.

Để hội nhập và phát triển bền vững, ngành nuôi trồng, chế biến nhuyễn thể của Việt Nam cần phải liên kết theo chuỗi khép kín và truy suất được nguồn gốc. Ảnh: Phạm Hiếu.
Để hội nhập và phát triển bền vững, ngành nuôi trồng, chế biến nhuyễn thể của Việt Nam cần phải liên kết theo chuỗi khép kín và truy suất được nguồn gốc.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong chế biến thủy sản, có thể khẳng định Việt Nam đã đạt được trình độ ở mức cao so với khu vực và thế giới, tuy nhiên, nhóm nhuyễn thể là một nhóm đặc thù.

“Chúng ta cần phải có những tổ hợp chế biến để liên kết với các hộ nuôi trồng để bà con nông dân là vệ tinh liên kết chặt chẽ. Như vậy thứ nhất chúng ta có thể làm chủ vùng nguyên liệu, thứ hai làm chủ về công nghệ, thứ ba chúng ta có thị trường và đồng thời được nâng cao năng lực cho bà con nông dân. Đấy là sự phát triển bền vững của nhóm nhuyễn thể này”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Một trong những nút thắt của nông sản nói chung đều là mối quan hệ giữa việc xây dựng các tổ hợp chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Một diện tích canh tác nông nghiệp phải đủ lớn hoặc phải nâng cao năng suất vì không thể đòi hỏi diện tích lớn chỉ để phát triển một đối tượng. Lời giải cho bài toán này là khoa học công nghệ, dự báo thời vụ và dự báo thị trường.

Theo lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam phải giải quyết được 3 bài toán: Thứ nhất sự hài hòa giữa vùng nguyên liệu và định hướng thị trường; Thứ hai là sự phân bố có tính chất định hướng của các khu vực chế biến; Thứ ba là bài toán lao động của các địa phương, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, sự chủ động của các địa phương là rất quan trọng trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh vùng nguyên liệu, chế biến cũng là một bài toán nan giải của ngành nhuyễn thể. Mỗi một đối tượng sản phẩm nông nghiệp đều có đặc thù về chế biến. Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng tối đa từ con ngao, con hàu mà mới chỉ dừng lại ở những sản phẩm đóng gói thực phẩm thông thường. Tìm được lời giải cho bài toán này mới có thể giải quyết được câu chuyện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp, khai thác tối đa giá trị gia tăng.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục