Xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh

Các doanh nghiệp và hiệp hội đều dự báo xuất khẩu cá tra còn tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh.

Xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 489,4 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài Mỹ, Trung Quốc thì Brazil và Thái Lan là 2 thị trường mới nổi gần đây với tăng trưởng rất mạnh ngoài dự đoán.

Tính riêng tháng 4, giá trị xuất khẩu sang Brazil tăng 687%, Thái Lan tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 22,3 triệu USD, Thái Lan đạt 21,2 triệu USD, tăng lần lượt 38,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết xuất khẩu cá tra hồi phục nhờ các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu tăng mua trở lại. "Tăng mạnh nhất là thị trường Mỹ nhờ vắc-xin Covid-19 đã được phủ nên các nhà nhập khẩu tăng mua để phục vụ cho dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại. Đây là kênh chính tiêu thụ cá tra nên lượng mua lớn. Trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 102 triệu USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái" - ông Hòe thông tin.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho hay xuất khẩu cá tra - basa và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu trong 4 tháng đầu năm của doanh nghiệp (DN) tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.

"Có được kết quả này là nhờ DN đã chủ động trao đổi với khách hàng để sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị trường thay vì tập trung chào bán các sản phẩm DN có thế mạnh. Nhờ đó, DN đã có những đơn hàng sản phẩm giá trị gia tăng như: khô, chả cá, bánh có nhân từ cá tra - basa… có biên độ lợi nhuận tốt hơn so với việc xuất khẩu nguyên liệu. Với những sản phẩm này, người tiêu dùng có thể dùng ngay hoặc cho vào lò vi sóng là ăn được. Không chỉ thị trường châu Á, khô cá tra - basa của APT còn được khách hàng châu Âu (Hà Lan) đặt hàng, chỉ chờ giấy phép bổ sung danh mục sản phẩm xuất khẩu theo quy định vì đây là sản phẩm mới" - ông Dũng tiết lộ.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, hiện chi phí đầu vào của DN từ nguyên liệu đến bao bì, chất đốt, logistics đều tăng trong khi các khách hàng đều đặt áp lực giảm giá do sức mua chưa thật sự cao. "Để giữ thị trường, duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động, có trường hợp DN phải bán huề vốn. Một số trường hợp khách hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm A nhưng DN không thể giảm nên phải đàm phán khuyến mãi sản phẩm B để giữ khách" - ông Dũng bộc bạch.

Ông Phan Hoàng Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), cũng cho biết từ đầu năm đến nay, sản lượng cá tra mà DN xuất sang thị trường Mỹ tăng tới 1,5 lần so với những tháng cuối năm 2020. Giá xuất khẩu cũng tăng đáng kể do hiện nay giá nguyên liệu cá tra và chi phí vận chuyển đều đang ở mức cao.

Theo ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều DN thủy sản đã thay đổi cách thức mua bán với đối tác. Thay vì bán giá CIF giao hàng đến cảng nước nhập khẩu thì DN chuyển sang ký kết hợp đồng bán giá FOB, giao hàng tại cảng Việt Nam. Với cách thức mua bán này, việc vận chuyển sẽ do đối tác nhập khẩu lo hoàn toàn.

Ông Trương Đình Hòe dự báo xuất khẩu cá tra còn tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh. Vấn đề hiện nay là nguyên liệu để các nhà máy chế biến có nguy cơ thiếu do chu kỳ nuôi cá kéo dài từ 7-8 tháng, không thể tăng nhanh đột biến được. Tuy nhiên, ngành cá tra có hơn 60% nguyên liệu được DN chủ động nuôi nên đã có kế hoạch dự liệu cho thị trường phục hồi trở lại.

Người nuôi vẫn lỗ

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), cho biết giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang dao động từ 21.500-22.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Mức giá này tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Đông Nam Á... có nhiều đơn đặt hàng hơn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên các doanh nghiệp chế biến cá tra đẩy mạnh thu mua nguyên liệu.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), cho rằng giá cá tra đã tuột dốc trong suốt 5 tháng qua, có lúc chỉ còn 18.000 đồng/kg. Hiện nay, giá có tăng lên 19.000-20.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn đang lỗ khoảng 2.000 đồng/kg vì giá thành chăn nuôi bình quân khá cao, từ 22.000-23.000 đồng/kg. "Trong cái rủi cũng có cái may là do dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới nên cá tra, tôm hay lúa gạo của Việt Nam mình sẽ còn tăng giá. Theo ước lượng của tôi, 18 hội viên trong HTX còn khoảng 9.000 tấn cá tra chuẩn bị cho thu hoạch. Có một số DN hứa sẽ mua cá với giá khoảng 21.000 đồng/kg nhưng với giá này, người nuôi vẫn còn lỗ, chưa có vui gì đâu!" - ông Nguyên bộc bạch.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục