Dư địa lớn cho doanh nghiệp cá tra Việt vào phân khúc thị trường đông dân

Ngày 24/8, tại Diễn đàn quốc tế về xuất khẩu cá tra do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TPHCM, các diễn giả cho rằng, thị trường quốc tế còn dư địa lớn cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam bán hàng vào phân khúc thị trường đông dân, thu nhập bình dân.

Dư địa xuất khẩu lớn

Mặc dù cá tra xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm sâu, song các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vì dư địa xuất khẩu mặt hàng chủ lực này còn rất lớn.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang cho biết, hiện nay công ty có 3 xưởng chế biến với công suất 300 nguyên liệu/ngày. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp cá tra phải chịu nhiều tác động, với rất nhiều khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam đều giảm sâu, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc; lượng tồn kho của doanh nghiệp cá tra rất lớn, cá dưới ao cũng còn nhiều.

Cùng nhận định trên, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 đạt 1 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, các thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ đang có những tín hiệu tích cực hơn. Tính đến hết ngày 15/7/2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 32% tỷ trọng, kim ngạch đạt 301 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Nửa đầu tháng 7, thị trường này nhập khẩu hơn 20 triệu USD cá tra Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông có thể đạt 337 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo bà Lê Hằng, sau Trung Quốc và Hồng Kông, hiện nay, Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Nước này đã nhập khẩu gần 150 triệu USD cá tra từ Việt Nam tính đến hết 15/7/2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng cá tra xuất khẩu. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này 7 tháng đầu năm nay có thể đạt 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới khá cao, nhất là ở nước có thu nhập cao, như ở Mỹ, mức tiêu thụ khoảng 22 kg/người/năm; trong khi đó, ở những nước thu nhập thấp và trung bình lại có mức tiêu thụ cá thịt trắng thấp hơn. Như vậy, dư địa tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại những thị trường có thu thập thấp còn rất lớn.

"Sản lượng cá tra ở Việt Nam khoảng 2,5 triệu tấn/năm, trong khi đó Trung Quốc đạt sản lượng sản xuất 27 triệu tấn cá/năm, mức tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Mặc dụ tiềm năng sản xuất của Trung Quốc rất lớn, nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người ở đô thị còn ít, nên nhu cầu tại thị trường còn rất lớn, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam gia tăng thị phần"- ông Willemink Arno nhấn mạnh.

Kỳ vọng xuất khẩu đạt 1,77 tỷ USD

Sau nhiều tháng giảm sâu, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu khả quan từ nhiều thị trường. Theo ông Ong Hàng Văn, trong tháng 6 và tháng 7/2023, lượng hàng thủy sản, trong đó có cá tra xuất khẩu của Công ty Trường Giang đang trên đà tăng trưởng trở lại. Đây là tín hiệu thị trường phục hồi trong những tháng còn lại trong năm nay và năm 2024.

Tương tự, các thị trường XK lớn của Công ty CP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận tăng trưởng dương trở lại. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã đạt 153 tỷ đồng trong tháng 7/2023, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại tăng 20% so với hồi tháng 7/2022.

Bà Lê Hằng cho biết, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và Hồng Kông luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc và Hồng Kông duy trì tăng trưởng cao nhất.

Theo ông Willemink Arno, với nhu cầu thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên tập trung vào những thị trường có chi phí thấp. Đồng thời, tập trung chuẩn bị cho những thị trường tiềm năng sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm và năm 2024, khi nên kinh tế phục hồi trên toàn cầu; cùng với giá nguyên liệu thức ăn cho cá tra dần ổn định…

Theo nhận định của VASEP, nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì XK cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD, giảm hơn 0,5 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 2,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng đang tính toán lượng cá tồn kho tại các thị trường, cũng như tập trung cho chế biến sâu. Bởi vì, hiện nay, cá tra phi lê xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, trong khi sản lượng chế biến xuất khẩu chỉ chiếm vỏn vẹn 2%./.

Bảo Ngọc (Theo Hải quan Online)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục