Thị trường tăng nhu cầu, giá cá tra khởi sắc là những yếu tố mà chuyên gia VCBS cho rằng có thể khiến doanh thu của Vĩnh Hoàn, IDI và Navico phục hồi trong năm 2024.
Năm 2023 được đánh giá là một năm kém lạc quan của các doanh nghiệp thủy sản nói chung và doanh nghiệp cá tra nói riêng. Trong đó, sau 2 năm lãi nghìn tỷ đồng, CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) chỉ mang về 949 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2023. Hay CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) ghi nhận giảm tới 91% lợi nhuận trước thuế so với năm trước, chỉ còn 67,6 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) chỉ hoàn thành 47% kế hoạch năm về lãi ròng khi mang về 87,7 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn ngành cá tra ảm đạm diễn ra trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn này đều có sự sụt giảm. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2023, doanh thu xuất khẩu sang thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn là Mỹ đã ghi nhận giảm trên hai con số trong 10 tháng liên tiếp. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc và châu Âu có 8/11 tháng Vĩnh Hoàn giảm doanh thu so với cùng kỳ năm 2022.
Bước sang năm 2024, theo báo cáo vừa công bố của VCBS, có nhiều triển vọng hơn cho các doanh nghiệp của ngành phục hồi. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ được dự báo sẽ phục hồi trong năm nay. Theo đó, dự kiến trong trong năm 2024, FED sẽ có 6 đợt cắt giảm lãi suất để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, buôn bán sôi động trở lại.
Trong tháng 12/2023, lạm phát của Mỹ tăng nhẹ hơn kỳ vọng ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm trước và 0,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, FED vẫn không có động thái thay đổi kế hoạch của mình. FED Watch cho rằng xác suất để FED bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 3 là 69%.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đang có những diễn biến tích cực, cho thấy tiêu dùng ở quốc gia này đang được cải thiện. Cụ thể, trong năm 2023, độ giảm của chỉ số PCE thu hẹp dần so với năm trước, riêng tháng 11/2023 chỉ số PCE tăng 0,1% so với cùng kỳ (lần đầu tiên tăng trở lại kể từ tháng 2/2022).
Tỷ lệ hàng tồn kho/doanh thu cho mặt hàng thực phẩm của Mỹ vẫn đang trong xu hướng tăng và chưa đạt mức đỉnh từ năm 2019. Dự báo mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục được dự trữ thêm trong năm 2024.
|
Ảnh: VCBS
|
Mặt khác, kết quả sơ bộ về đợt rà soát cho thuế chống bán phá giá đem lại nhiều triển vọng cho ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2024, khi mức thuế suất giảm 94% so với năm ngoái, giúp sản phẩm cá tra của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ.
Cụ thể, ngày 1/9/2023, Bộ thương mại Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR 19) đối với cá tra phile đông lạnh Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong giai đoạn 1/8/2021 - 31/7/2022. Với kết quả sơ bộ này, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0,14 USD/kg (giảm 94% so với cùng kỳ), đáng chú ý có IDI. Những doanh nghiệp như VHC và ANV sẽ tiếp tục được hưởng mức thuế 0 USD/kg. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau 120 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ của Bộ thương mại Mỹ, tức là vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2024.
Giá xuất khẩu cá tra được dự báo phục hồi trong năm 2024 cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp tăng trưởng kinh doanh. Theo VCBS, cá minh thái của Nga (mặt hàng thay thế cho cá tra ở phương Tây) sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh trong năm 2024 do Mỹ và châu Âu áp dụng biện pháp trừng phạt lên Nga thông qua mức thuế xuất khẩu.
Từ đầu năm 2024, EU tuyên bố áp dụng mức thuế 13,7% cho tất cả các sản phẩm phile cá minh thái từ Nga và từ nước thứ 3 nhưng có nguồn gốc ở Nga. Từ cuối tháng 12/2023, Mỹ bổ sung lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản được chế biến ở quốc gia thứ 3 nhưng có nguồn gốc từ Nga, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ở Alaska khi 35% sản lượng hải sản ở đây đều là cá minh thái Nga sơ chế ở Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cá minh thái khác cũng phải đối diện với mức thuế mới 4 - 7% cao hơn so với năm ngoái.
Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, cùng nguồn cung sụt giảm sẽ là động lực giúp giá cá tra xuất khẩu tăng trở lại trong năm 2024. Cụ thể, giá cá giống đang tăng trở lại do nguồn giống đang bị khan hiếm khi dịch bệnh gan thận mủ lan rộng ở nhiều ao nuôi, các doanh nghiệp có chu trình khép kín sẽ kiểm soát được chi phí tốt hơn các hộ nuôi nhỏ lẻ. Nguồn cung cá da trơn ở Mỹ đang có tín hiệu giảm khi lượng hàng tồn kho của 3 bang lớn 6T/2023 chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8%).
Các ông lớn của ngành được dự báo được phục hồi
Trước những dự báo về thị trường của VCBS, Vĩnh Hoàn, IDI và Navico được dự báo là các doanh nghiệp cá tra có thể tăng trưởng doanh thu trong năm 2024.
Đối với Navico, sau đà tăng trưởng 8% tại thị trường Mỹ (với kim ngạch 8 triệu USD) vào năm 2023, ANV dự kiến có thể tiếp tục duy trì đà tăng này trong năm 2024. Theo chuyên gia VCBS, yếu tố này được xác định bởi doanh nghiệp tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% (theo POR19) và tồn kho cá tra tại Mỹ có dấu hiệu giảm hỗ trợ giá hồi phục, nguồn cá minh thái tại thị trường hạn chế.
Doanh số tại Trung Quốc của Navico tiếp tục được đẩy mạnh khi doanh nghiệp đang mở rộng tệp khách hàng tại Bắc Kinh và Quảng Châu. Tại nội địa, VCBS cho rằng, doanh thu của ANV dự kiến tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023 do doanh nghiệp hợp tác với Bách Hóa Xanh từ tháng 3/2023 để tiếp cận thị trường nội địa.
Trong khi đó, chi phí đầu vào được kỳ vọng giảm nhờ xu hướng giá ngũ cốc tiếp tục đi xuống và dự báo thời tiết chuyển sang ôn hòa hơn trong năm tới. Mặt khác, mảng C&G của ANV đã bắt đầu có doanh thu ở cuối quý 4/2023, doanh nghiệp dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm. Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của mảng C&G của ANV sẽ đạt lần lượt là 85 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng trong năm 2024.
Từ các yếu tố trên, VCBS cho rằng, doanh thu thuần của ANV năm 2024 đạt 4.999 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với thực hiện năm 2023.
|
Ba giai đoạn nâng công suất mảng C&G của ANV. Ảnh: VCBS
|
Đối với Vĩnh Hoàn, tương tự ANV, VHC cũng được dự kiến được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Giá cá tra xuất khẩu sẽ được cải thiện nhờ nhu cầu ở Mỹ sẽ cải thiện hơn trong năm 2024 khi lượng tồn kho bước vào chu kỳ giảm. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được cải thiện nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào cho thức ăn nuôi cá giảm.
VCBS dự báo, doanh thu mảng cá tra của VHC đạt 7.798 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 của VHC sẽ đạt khoảng 4.010 tỷ đồng, tăng 35%.
VHC cũng đã tiến hành mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy C&G trong năm 2023, công suất mảng C&G sẽ tăng 50% sau khi hoàn thành. Dự kiến, mảng C&G sẽ phục vụ chủ yếu cho thị trường châu Âu với mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp cho năm 2024 đạt lần lượt là 1.136 tỷ đồng và 466 tỷ đồng.
Năm 2024, dự phóng doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 11.245 tỷ đồng, tăng 12% so với kết quả của năm 2023; lãi ròng đạt 1.504 tỷ đồng, tăng 58%.
|
Ảnh: VCBS
|
Trong khi đó, đối với IDI, dự kiến nhà máy chế biến cá tra phile số 3 của IDI sẽ được hoàn thiện trong quý 3/2024, nâng tổng công suất chế biến cá tra phile thêm 400 tấn nguyên liệu/12 giờ/ ngày. VCBS dự báo tổng sản lượng xuất khẩu của IDI dự kiến sẽ đạt khoảng 64.000 tấn (tăng 42% so với cùng kỳ) trong năm 2024.
Theo dự thảo POR19 của Bộ thương mại Mỹ, IDI sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá mới là 0,14 USD/kg. Điều này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo dự phóng của VCBS, doanh thu xuất khẩu cá tra của IDI trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 3.263 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, IDI cũng đã lên kế hoạch để nâng khả năng tự chủ từ 85% lên 90% thông qua việc nâng công suất nhà máy bột cá lên 600 tấn nguyên liệu/ngày; mở rộng vùng nuôi liên kết thêm 450 ha để chuẩn bị nguồn nguyên liệu khi nhà máy số 3 hoàn thiện.
Nhờ tự chủ được nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng nuôi trồng thủy sản tốt hơn, dự kiến IDI sẽ cắt giảm được chi phí, nâng biên lợi nhuận thêm khoảng 4% cho mảng cá tra trong năm 2024.
Năm 2024, dự phóng doanh thu thuần của IDI đạt 8.139 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện của năm 2023; lãi ròng đạt 171 tỷ đồng, tăng 94%.
|
Ảnh: VCBS
|
Theo Mekong Asean