(vasep.com.vn) Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao NAFIQAD phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, VASEP, VINAPA tổng hợp số lao động cần ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid- 19 đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra và các chuỗi nông sản khác, tham mưu Bộ văn bản đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia ưu tiên cung cấp đủ vaccine phòng Covid-19 cho địa phương theo nhu cầu.
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị trực tiếp, trực tuyến “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” vào cuối tháng 9/2021.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị UBND các tỉnh vùng ĐBSCL quan tâm thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, coi đây là thực thể kinh tế thống nhất để tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, phối hợp trong các hoạt động kiểm soát phòng chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế; thống nhất thực hiện đúng các quy định của trung ương theo nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả”. Mỗi sản phẩm nông sản, thủy sản của từng địa phương chỉ trở thành thành quả kinh tế và đem lại giá trị khi đã đến với thị trường tiêu thụ.
Vì vậy, các địa phương cần liên kết, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực, xử lý các vướng mắc trong chuỗi ngành hàng cá tra và từ đó nhân rộng sang các chuỗi nông sản khác. Tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất trong tình hình mới.
Bộ NN&PTNT giao Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án hướng dẫn các doanh nghiệp, người nuôi duy trì hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra. Trước mắt hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí không cần thiết để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm. Đồng thời, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cá tra cũng như các loại nông sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Giao Tổng cục Thủy sản nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin chung toàn vùng, hỗ trợ các địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu con giống, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên thông tin, hướng dẫn của ngành Y tế, đồng thời, tích cực xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển lâu dài, bền vững.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị XK cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở ĐBSCL trong những tháng qua diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi trồng, sản xuất và XK của các DN chế biến cá tra tại khu vực này.
Do đó, tháng 9/2021, giá trị XK cá tra sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm đồng loạt so với cùng kỳ năm ngoái. Một số DN XK cá tra sang Mỹ và Ai Cập cố gắng tìm mọi cách để thích ứng với dịch bệnh, an toàn sức khỏe để sản xuất nên giá trị XK cá tra sang Mỹ trong tháng 9 đạt 22,8 triệu USD, tăng 20,8%; giá trị XK sang Ai Cập đạt 3,6 triệu USD, tăng 61,7%.
Hiện nay, các nhà máy chế biến cá tra thuộc nhóm DN bị tổn thương đầu tiên và mạnh nhất trong hàng thủy sản do Covid-19. Giải pháp cần kíp nhất lúc này để giúp các DN có thể trở lại hoạt động trong tình hình bình thường mới là công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy được tiêm đủ 2 mũi vaccine.