Ngành thủy sản có hai sản phẩm nuôi chủ lực cần quan tâm là cá tra và tôm.
Con cá tra
Năm 2019 với một “dấu trầm dài” đối với con cá tra. Giá cá nguyên liệu giảm quá mạnh ngoài mọi dự đoán. Tất cả từ quan hệ cung cầu mà ra.
Đầu năm, dự báo năm 2019 cá minh thái, cá thịt trắng đối thủ cá tra, bị tác động biến đổi khí hậu, có xu thế chuyển dịch về phía Bắc eo biển Bering khiến việc khai thác khó khăn dẫn đến sản lượng giảm như năm 2018. Điều này gây phấn khởi, lạc quan góp phần đưa diện tích ao nuôi cá tra của ta tăng âm thầm, không thống kê hết. Bất ngờ, các thị trường lớn đều có sức tiêu thụ chậm, không như dự kiến. Tìm hiểu kỹ ra, cuối năm 2018, các DN cá lớn đã chuyển gởi kho bên Hoa Kỳ lượng không nhỏ. Khiến năm sau phải tiêu thụ hết lượng này, cá 2019 mới tới lượt. Trung Quốc đã mở rộng quy mô nuôi cá tra với cá giống một phần cung từ Việt Nam, đưa sản lượng cá tra nuôi lên non nửa triệu tấn, đồng thời Ấn Độ cũng thành công trong việc sinh sản nhân tạo và nuôi loài cá này và có sản lượng tương đương Trung Quốc. Trong bối cảnh này, chắc chắn quy mô nuôi và sản lượng cá tra của hai quốc gia đông dân số nhất thế giới còn tăng, trước mắt để cung ứng trong nước và tiến tới xuất khẩu vào Hoa Kỳ, thuận lợi vì không có thuế chống bàn phá giá. Riêng cá Trung Quốc đang bị tác động từ thương chiến Trung Mỹ nên chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Thông tin không kịp thời khiến con cá tra rơi vào hoàn cảnh khó. Cho nên, chuẩn bị cho năm 2020, các DN cá cần có các thông tin vừa nêu, tính toán tại khả năng tiêu thụ với giá nào. Từ đó mới thoả thuận các hộ nuôi cá liên kết đầu tư, bao tiêu ra sao, nhằm tránh thêm lần thua lỗ. Mặt khác, các DN cá quan tâm hơn việc nghiên cứu sản phẩm mới từ cá để tăng giá trị cá và thu hút thêm người tiêu dùng.
Con tôm
Kinh doanh con tôm phụ thuộc thời tiết, dịch bệnh và tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Nếu thời tiết bất lợi hay kinh tế thế giới đầy gam màu sáng, chắc chắn giá tôm rất tốt và ngược lại.
Năm 2019, các vùng nuôi lớn trên thế giới bị bệnh vi bào tử trùng và phân trắng tấn công khá mạnh. Bệnh này, tới nay, chưa có phác đồ điều trị, chỉ có hệ thống giải pháp ngăn ngừa, chủ yếu sản xuất sạch. Điều này nói dễ nhưng thực thi không dễ. Điểm danh các vùng nuôi lớn cho thấy tôm nuôi từ Indonesia, Ecuador, Thái Lan, Trung Quốc lấy nước nuôi chủ yếu từ nước biển, trong và tương đối sạch. Tôm nuôi Việt Nam và Ấn Độ nuôi nhiều dọc theo các con sông, nước có phù sa và lẫn nước thải sinh hoạt... nên có phần rủi ro hơn. Tôm nuôi hai nước này bị thiệt hại do nhiễm bệnh nhiều hơn trong năm 2019 so tôm nuôi các nước khác. Thời điểm này chưa thấy một thông tin nào rõ ràng về đánh giá tình hình bệnh tôm năm 2020. Nếu Ấn Độ không phục hồi, chắc chắn giá tôm cỡ lớn sẽ tăng, cho cả tôm thẻ và tôm sú. Nếu tình hình nuôi ở Việt Nam không ngăn được bệnh tôm, sản lượng sẽ bị giảm và giá tôm nguyên liệu sẽ giữ giá cao, dù cung cầu thế giới như thế nào.
Bức tranh tôm khá phức tạp này là bài toán khó cho các DN tôm khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 của mình. Mỗi năm có những cái khó, cái tốt khác nhau. Hơn nhau là phải cố gắng tìm ra thông tin cần thiết.
Vụ nuôi phụ năm 2019 đối phó với hai bệnh tôm nêu trên, khiến người nuôi không an tâm thả nuôi, dẫn đến sản lượng những tháng cuối năm sụt giảm nhanh. Những ao tôm may mắn còn trụ lại cũng không thật sự an toàn. Đợt lạnh đầu tháng 12 kéo dài mới một tuần là có ao tôm đang nuôi nhiễm virus đốm trắng. Điều muốn nói là nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh tôm nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long còn cao, rủi ro còn bủa vây các ao nuôi. Các cơ quan chức năng nên chăng có sự nghiên cứu, đánh giá tình hình để có một lịch thời vụ 2020 giảm thiểu rủi ro, kịp thời hỗ trợ người nuôi.
Tóm lại, cần có một số thông tin trước khi vạch ra kế hoạch kinh doanh 2020 cụ thể, đó là:
- Tình hình tiêu thụ thuỷ sản cuối năm ở các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
- Tình hình ngăn ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi, chủ yếu ở Ấn Độ và Việt Nam.
- Tình hình tôm nuôi các nước Nam bán cầu, cụ thể ở Indonesia và Ecuador. Họ thả nuôi sớm và có tôm thương phẩm từ tháng ba hàng năm.
- Kế hoạch nuôi từ các nước nuôi tôm.
- Đánh giá bức tranh thế giới, còn nhiều điểm bất an khiến kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc.
Tóm lại, để kế hoạch có nền tảng vững, việc xây dựng cần có nhiều thông tin cần thiết. Để thắng lợi, phải biết người biết ta. Bài học quá phổ biến nhưng khó thuộc bài. Bởi thông tin muốn tìm đâu dễ có, khi chúng ta chưa có những cơ quan chuyên môn hỗ trợ kịp thời thông tin. Các DN phải tự bơi thì khó có đột biến, thành công lớn cho toàn ngành.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN