Đã đến lúc Doanh nghiệp cá tra cần ngồi lại và hợp tác cùng nhau

(vasep.com.vn) Tại Hội nghị Toàn thể Hội viên và kỷ niệm 25 năm thành lập VASEP ngày 12/6/2023, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang, đã nêu ý kiến về những thách thức trong giai đoạn từ nay đến hết 2023 của ngành cá tra.
Chú thích ảnh
Ông Ong Hàng Văn - Ủy viên BCH VASEP - Phó TGĐ Công ty CP Thủy sản Trường Giang

Theo ông Văn, quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc, thị trường này không còn dễ dãi hay giá rẻ nữa mà đã có những phân khúc cao thấp, khó tính hơn. Các tỉnh phía Nam và phía Bắc của thị trường tỷ dân này tương đối dễ tính, tuy nhiên điều này không có nghĩa họ chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng của Việt Nam.

Hiện nay ngành cá tra đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các thị trường XK cá tra trọng điểm của Việt Nam hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Á, CPTPP đều đang căng thẳng khi XK suy giảm trên 40% từ đầu năm đến nay. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần cân đối lại nhu cầu của thị trường XK. Tất cả các DN cũng như Ủy ban Cá nước ngọt nên ngồi lại với nhau, cùng với VASEP giải bài toán nhu cầu thị trường, không thể sản xuất tràn lan, sau đó lại phải tìm mọi cách để bán ra. Cách đây 3-4 tháng, giá nguyên liệu cá tra là 30.000đ và chúng ta bán 2,5 USD/kg và hiện nay giá xuống còn 27.000đ/kg nguyên liệu trong khi giá vốn là 28.000đ - 29.000đ thì giờ bán chỉ còn 2$.

Do đó thách thức hiện nay là phải vượt qua giai đoạn này đó là:

Thứ nhất, chúng ta phải giảm tồn kho bằng cách giảm sản lượng mùa vụ tiếp theo. Hiện nay DN đang tồn kho rất lớn, khiến dòng tiền bị tắc nghẽn ở các DN, lãi suất cao, hao hụt tự nhiên trong kho cao khiến giá thành cá tra càng lúc càng cao. Các DN nên ngồi lại với nhau để cân đối cho mùa sắp tới sẽ thu hoạch vào tháng 2 tháng 3 năm sau.Mỗi DN có cách riêng nhưng tổng thể phải nuôi giảm mật độ thì mới tránh được dịch bệnh, hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn FCR trong nuôi cá, tôm) sẽ thấp đi. Làm sao để kéo giá nguyên liệu cá tra bằng những năm trước ở mức 1 USD/kg, vì giờ đã lên đến 1,2$. Hi vọng từ giờ đến cuối năm chúng ta hạ được giá thành và có điều kiện cạnh tranh và phát triển mạnh hơn nữa. Từ con số nhu cầu của thị trường giảm tồn kho, giảm mật độ nuôi hạ giá thành xuống 1$ như những năm trước.

Thứ hai, trong việc giảm giá thành, đề nghị VASEP và các DN cá tra ngồi lại với nhau đề xuất Bộ NN và Bộ Công thương phương án hỗ trợ biện pháp để giảm giá thành thức ăn cho cá. Trước dịch giá 1kg thức ăn cá tra là trên dưới 10.000đ, nhưng hiện nay giá đã lên trên dưới 13.000đ. Trong tháng vừa rồi có giảm 200đ - 300đ nhưng chưa đáng kể. Thức ăn cho cá sau dịch Covid-19 tăng 30%, chiếm tỷ trọng 75% giá thành cá tra. Con số này quá cao khiến lợi nhuận của cả ngành chế biến, nuôi trồng cá tra giảm.

Một điểm nữa, đã đến lúc phải hợp tác với nhau, tạo điều kiện và thời gian để cải tạo con giống bố mẹ cũng như là nuôi, ương dưỡng cá tra giống theo công nghệ sinh học, tránh lạm dụng kháng sinh. Khi mua cá giống, chúng tôi đã làm kháng sinh đồ, cho thấy, gần như tất cả cá giống không thể phản ứng với kháng sinh hay thuốc trị bệnh nào khác, vì người nuôi sử dụng tất cả các loại kháng sinh. Chúng ta, các nhà khoa học, Hiệp hội và Bộ NN&PTNT nên cùng với những thương hiệu cá giống ngồi lại với nhau có thể mua cá giống với giá cao hơn khoảng 5%. Giảm đi tỷ lệ 5%- 10% hao hụt, sẽ không ảnh hưởng nhiều mà còn tốt cho cả ngành.

Ngoài ra, tôi kiến nghị VASEP và các DN cá tra nên ngồi lại với nhau để làm ra một Quỹ phát triển truyền thông cho cá tra. Thời gian qua, theo tôi thì VASEP chỉ mới thực hiện được việc truyền bá về thương mại, tức là đi dự các hội chợ, bán hàng, chúng ta chưa có chiến dịch quảng bá cá tra tại các thị trường trọng điểm. Chúng ta nên khởi động lại chương trình để tạo ra những ấn tượng về cá tra, loài cá được nuôi dưỡng ở môi trường sạch, phát triển ở nơi mà người công nhân được đảm bảo về các quyền lợi và môi trường nuôi cá tra an toàn. Tôi xin kiến nghị các DN nên chung tay, nhà nước không thể làm hết, nhưng hiệp hội cũng có thể làm được nếu chúng ta đồng lòng.

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục