Chính phủ nên đầu tư trung tâm giống quốc gia, mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ công nghệ gen để nâng cao chất lượng giống.
Thị trường khó có thể phục hồi ngay trong năm 2023
Sau 2 năm dịch bệnh tàn phá, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như cung ứng đứt gãy, lạm phát, chi phí đầu vào tăng phi mã khiến cho các doanh nghiệp đều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phá sản. Đặc biệt, chiến sự Nga-Ukraine ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế thế giới. Suy thoái kinh tế, lạm phát, lãi suất tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Dù không bị ảnh hưởng quá mạnh như các nước Châu Âu nhưng Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy giảm sút.
Thị trường khó có thể phục hồi ngay trong năm 2023. Do nền kinh tế thế giới không thể phục hồi ngay mà phải trải qua nhiều giai đoạn. Ngành thuỷ sản hiện phụ thuộc nhiều vào tình hình chiến tranh Nga- Ukraine nhưng hiện nay chiến tranh vẫn kéo dài khó dự đoán khi nào sẽ kết thúc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm liên tiếp do chính sách Zero- Covid của Trung Quốc - thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay. Dù đã mở cửa trở lại nhưng khả năng chi trả của người tiêu dùng Trung Quốc giảm do nhiều người lao động nước này chật vật trong 2 năm làm nhu cầu yếu.
Người lao động tại các khu vực khác cũng đang chật vật vì lạm phát làm nhu cầu nhập khẩu giảm.
Ngành cá tra còn nhiều vấn đề bất cập
Không chỉ tại thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp cá tra cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp gia công nhỏ lẻ, thời vụ trong nước. Số lượng các cơ sở gia công nhỏ lẻ, kém chất lượng, không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn và xử lý chất thải chiếm khoảng 25%. Các doanh nghiệp đầu tư bài bản phải cạnh tranh với các doanh nghiệp gia công nhỏ lẻ, kém chất lượng. Điều này còn làm ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra. Mong Chính phủ có biện pháp kiểm soát vấn đề này.
Về kiểm soát vùng nuôi, các tỉnh, địa phương chưa quản lý chặt chẽ về vấn đề vùng nuôi. Khi cá được giá, nhiều nông dân đổ xô nuôi cá, khi giá thành giảm nhiều người treo ao. Do thiếu quản lý chặt chẽ nên khó xác định lượng cung dẫn đến khủng hoảng thừa cung hoặc thiếu cung.
Về chi phí bảo hiểm, đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, thuỷ sản thì chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là một gánh nặng. Hiện chi phí bảo hiểm của doanh nghiệp là 22,5%, người lao động là 10,5%. Vì vậy, các doanh nghiệp mong nhà nước có thể điều chỉnh mức bảo hiểm để tạo điều kiện và giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Về nâng cao chất lượng giống, dù nhà nước cũng đầu tư các trung tâm giống nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các hộ nuôi. Hầu hết giống cá tra do những người nông dân nhỏ lẻ cung cấp. Người nông dân thường dùng phương pháp truyền thống để nhân giống mà không có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học làm chất lượng con giống chưa được như kỳ vọng, tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi lên tới 50-55%. Thời gian nuôi cá cũng tăng, từ chỉ 5-6 tháng (năm 2000, 2003, 2005) là có thể thu hoạch, hiện giờ nuôi gần như cả năm. Chính phủ nên đầu tư trung tâm giống quốc gia, mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ công nghệ gen để nâng cao chất lượng giống. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác đã bắt đầu triển khai các dự án nuôi cá tra. Nếu Việt Nam không quan tâm đúng mức và kịp thời cải thiện chất lượng nguồn giống, ngành cá tra Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong những năm tới.
25 năm thành lập và phát triển, VASEP luôn hoạt động hết mình
VASEP luôn làm tốt vai trò của một hiệp hội đại diện doanh nghiệp thuỷ sản. Đặc biệt trong những năm dịch bệnh vừa qua, VASEP cập nhật tình hình thị trường chi tiết, các bài đánh giá thị trường và số liệu thống kê sát sao. VASEP luôn lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp để đề xuất với Bộ, Ngành, địa phương đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. VASEP cũng làm tốt việc kết nối các hiệp hội với nhau để tạo ra tiếng nói chung. 25 năm thành lập và phát triển, VASEP luôn hoạt động hết mình.
Tuy nhiên, một số vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời. Điều này có thể do thủ tục xem xét lâu và cần sự đồng ý từ Chính phủ tới các Bộ, Ngành. Mong muốn trong tương lai, các vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp được Chính phủ, Bộ ngành kịp thời giải quyết.