Để phát triển bền vững con cá tra cần một chuỗi tổng hợp của nhiều yếu tố.
Thứ nhất, phải có thị trường. Thị trường hiện nay có nhiều thách thức. Các nước thấy con cá tra Việt Nam phát triển mạnh nên muốn áp đặt lại. Ví dụ tại Brazil, lấy tiêu chuẩn của cá biển áp đặt cho cá tra. Thị trường Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá. Thị trường Trung Quốc bấp bênh, không ổn định về nhu cầu. Nga thì nhập khẩu có điều kiện. Tại thị trường Trung Đông, cá tra cũng chưa được phép nhập khẩu vào thị trường Saudi Arabia. Một số thị trường áp dụng cơ chế trao đổi, muốn xuất cá tra sang thì phải nhập một sản phẩm khác của họ.
Có điểm sáng tiềm năng là thị trường nội địa vẫn đang mở ra. Dân số đông, thực phẩm hiếm, con cá tra trở thành sản phẩm thiết yếu.
DN mong muốn Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương xúc tiến kết nối hợp tác giữa các nước với nhau mở ra các chương trình giao thương để tạo mối quan hệ song phương hoặc đa phương để các nước khác “mở to” cánh cửa cho mình, để tạo tiền đề cho sản phẩm của mình.
Thứ hai là vấn đề nhà máy sản xuất. Người lao động phổ thông ngày càng khan hiếm do nghề chế biến thủy sản phải cạnh tranh với nhiều ngành nghề khác (dệt may, da giày, du lịch…). Giải pháp công nghệ thì Việt Nam chưa phát triển được nhiều.
Thứ ba là vấn đề vùng nuôi trong đó có con cá giống. Hiện ta chưa sản xuất được cá bột, sản xuất cá giống không bài bản. Doanh nghiệp lớn có vùng nuôi, cơ bản chủ động được về sản lượng. Doanh nghiệp chỉ làm được một phần, còn lại phải mua ngoài. Cả chất lượng và số lượng con giống đều đang là vấn đề trăn trở. Giống yếu không chống chọi được khi ra ngoài môi trường. Tỷ lệ hao hụt tính từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch từ 20%, 30% đến hơn 50% tùy thời tiết, mùa vụ, năng lực nuôi. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp đưa ra giải pháp cụ thể sao cho con giống khỏe, phù hợp với môi trường.
Để phát triển được ngành cá tra này, bắt buộc phải có vùng nuôi tập trung thì mới chủ động được nguyên liệu. Về nuôi trồng phải làm sao nghiên cứu được con giống tốt.
Nhà nước cần đứng ra hỗ trợ vấn đề thị trường, VASEP phải đứng ra để có kết nối, giao lưu để DN có thể tiếp cận được thị trường càng nhiều càng tốt.
VASEP cần tổ chức các doanh nghiệp giao lưu nhiều hơn, gặp gỡ DN thường xuyên hơn
Về VASEP, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, theo tôi, Hiệp hội đã làm hết sức mình trong việc kết nối Chính phủ với DN, phối hợp tổ chức tốt các Hội chợ xúc tiến thương mại.
Tham gia VASEP mang lại nhiều lợi ích cho DN. Tham gia nhóm viber gồm các thành viên VASEP và DN, tôi biết ngành đang có vấn đề gì, quy định gì gây vướng DN đều được thẳng thắn trao đổi. Không tham gia thì không biết được, nó khó như nào và tháo gỡ ra sao.
Để phát triển, thì tổ chức nào cũng vậy, phải liên tục thay đổi, tìm cách để làm tốt hơn nữa. Tôi mong muốn Hiệp hội nắm bắt chính sách kịp thời hơn nữa, lắng nghe và gần DN nhiều hơn. Tôi đề xuất hàng tháng VASEP có thể gửi bản câu hỏi về cho DN xem DN đang vướng chỗ nào, có kiến nghị gì. Về hoạt động đào tạo của VASEP, không nên dàn trải mà tập trung vào những gì DN đang cần.
Một góp ý nữa cho thời gian tới, là Hiệp hội cần chú trọng và tập trung, đẩy mạnh về truyền thông sản phẩm trong ngành, truyền thông cho quốc tế. Sản phẩm cá tra Việt Nam mang về kim ngạch lớn nhưng truyền thông ra quốc tế chưa mạnh. Ở các thị trường, do cá tra ngày càng phổ biến nên sẽ xuất hiện những ý kiến trái chiều hoặc hình ảnh không đẹp về con cá tra, thì mình chưa có truyền thông để đối kháng lại.
Tiếp nữa là sự gắn kết giữa các DN với nhau để đứng vững trên thị trường thì mình chưa làm được nhiều. Ví dụ, khi thị trường khó khăn và giá thấp, các DN chịu nhiều áp lực tài chính, chi phí thì nguy cơ sẽ đua nhau giảm giá, thì chính mình là người thiệt hại.
VASEP cũng nên đề xuất với các CQNN và tham gia tháo gỡ rào cản thương mại. Ví dụ, như Saudi Arabia cấm NK cá tra của Việt Nam mà DN không hiểu tại sao, chúng ta thậm chí sẽ sang thị trường này để tháo gỡ.
Cuối cùng, tôi thấy VASEP vẫn đang ngày càng củng cố vai trò quan trọng của mình và là động lực phát triển cho DN và ngành hàng.