Trung Đông trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Thái Lan

(vasep.com.vn) Thị trường mục tiêu của các sản phẩm cá ngừ Thái Lan trong nửa đầu năm nay đã có sự thay đổi.

Chú thích ảnh

Nhu cầu từ các nước Trung Đông đã cho thấy sự tăng trưởng vượt trội, vượt qua Mỹ trở thành điểm đến XK hàng đầu của Thái Lan trong nửa đầu năm 2023 với gần 49 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, XK sang Mỹ, thị trường lớn thứ 2, đạt 45.245 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Châu Phi giảm 54% xuống còn gần 31 nghìn tấn, Nhật Bản tăng 22% đạt 23 nghìn tấn và Châu Đại dương giảm 22% xuống còn gần 21 nghìn tấn.

Ngoài ra, XK sang Mỹ Latinh tăng 34% đạt gần 20 nghìn tấn trong nửa đầu năm 2023, trong khi XK sang EU lại giảm 10% so với cùng kỳ, đạt gần 6 nghìn tấn.

Tuy nhiên, xét về giá trị, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá ngừ Thái Lan, với doanh thu đạt 227 triệu USD, giảm 16%.

Tiếp đến là Trung Đông và Nhật Bản, có giá trị tăng lần lượt là 23% và 33% so với cùng kỳ, đạt giá trị lần lượt là 214 triệu USD và 133 triệu USD.

Ngành cá ngừ Thái Lan đang phải đối mặt với các thách thức tại các thị trường, đặc biệt là ở các thị trường lớn truyền thống như EU và Mỹ, nơi XK đang phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Theo ông Tony Lazazzara, Giám đốc thu mua cá toàn cầu của Tập đoàn Thai Union, tại Hội nghị Cá ngừ Thế giới lần thứ IX, các nước Trung Đông, Mỹ và Châu Phi trong vài năm gần đây đều cho thấy nhu cầu tăng đáng kể, trong khi các nước EU tụt lại phía sau.

Ngành cá ngừ Thái Lan đã thấy một số thay đổi quan trọng trong nửa đầu năm nay. Các thị trường lớn truyền thống đang gặp khó khăn và do đó ngành này đang chuyển sang các thị trường mới nhằm hạn chế tác động.

Tuy nhiên, Lazzara tỏ ra lo ngại về việc giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Về nguồn cung cá ngừ cho Thái Lan trong năm 2022, Đài Loan đang giữ vị trí là nhà cung cấp hàng đầu với 127.574 tấn trị giá 236 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Lazazzara nhấn mạnh rằng cũng có một sự thay đổi đáng chú ý ở đây, với Micronesia nổi lên là nhà cung cấp lớn thứ hai với 97.091 tấn trị giá 161 triệu USD, tiếp theo là Nauru (76.071 tấn trị giá 128 triệu USD) và Hàn Quốc (61.104 tấn trị giá 104 triệu USD).

Lazazzara cũng đề cập đến vai trò nhất quán của Đức với tư cách là quốc gia thành viên EU chính đối với nhập khẩu cá ngừ của Thái Lan.

Tổng cộng, Thái Lan NK khoảng 697.674 tấn cá ngừ, trị giá 1,25 tỷ USD vào năm 2022, trong đó 77% là cá ngừ vằn, 14% cá ngừ vây vàng, 5% cá ngừ albacore và 3% cá ngừ mắt to.

Lazazzara thừa nhận rằng việc nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Thái Lan và EU có thể mang lại những cơ hội đáng kể.

Tuy nhiên, ông bày tỏ sự thận trọng về mốc thời gian, lưu ý rằng khung thời gian hai năm được đề xuất cho các cuộc đàm phán có vẻ đầy tham vọng.

Theo ông Lazazzara, thị trường EU vẫn là thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu cá ngừ Thái Lan bất chấp xuất khẩu sụt giảm.

Bắt đầu từ năm 2012, khi Liên minh Châu Âu chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan, và XK sang thị trường này đã sụt giảm liên tục trong những năm qua. XK đã giảm mạnh xuống chỉ còn 3% vào năm 2022. Một FTA mang lại tiềm năng lấy lại chỗ đứng cho Thái Lan tại thị trường then chốt này, thị trường lớn nhất đối với cá ngừ đóng hộp.

Các cuộc đàm phán vòng đầu tiên về hiệp định thương mại tự do giữa Thái Lan và EU đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 9, với mục tiêu đạt được thỏa thuận trong khung thời gian hai năm.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục