(vasep.com.vn) Ngày 24/3/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 33/2020/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất và XK thủy sản Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Bộ nhằm giúp doanh nghiệp thủy sản tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để kịp thời ổn định hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, hai tháng đầu năm 2020, tổng giá trị XK thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động SXXK, ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm, khiến kim ngạch XK sang thị trường này giảm mạnh 44%. XK sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh XNK thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.
Hoạt động trao đổi, thương mại bị gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn. Sự gián đoạn vận chuyển đường biển đang gây gáp lực lớn đối với các hãng tàu biển trên thế giới khi họ phải vật lộn ở các thị trường yếu hơn, chi phí cao hơn từ những quy định mới của Tổ chức IMO về nguyên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng không thể sang Việt Nam theo lịch trình.
Tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu bị dừng, hủy cao
Tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3 thì thị trường Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại), các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga,... cũng có các đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên. Đặc biệt tại thị trường Châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.
Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, các DN cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc XNK hàng hóa.
Rất nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong QII, III/2020, một số Doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Vì các nguyên nhân khó khăn về XK hàng hóa, và sự tiêu thụ chậm hàng hóa nên các DN đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thanh toán từ khách hàng (nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng). Dẫn đến các DN không xoay vòng được vốn và thanh toán các khoản vay với ngân hàng.
Giá tôm, cá tra giảm mạnh, nguyên liệu hải sản nhập khẩu thiếu 50%
Hiện tình hình ngập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng nguyên liệu thủy sản cho chế biến và xuất khẩu. Giá tôm và cá tra nguyên liệu tại khu vực này giảm mạnh là do người nuôi lo sợ giá tiếp tục giảm nên thu hoạch sớm; Doanh nghiệp tạm thời ngưng mua nguyên liệu do các đơn hàng bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới. Kho lạnh của doanh nghiệp đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không chứa được nguyên liệu.
Nhiều kho lạnh đã được các DN cá tra thuê để trữ nguyên liệu cá tra, dẫn đến các DN tôm không còn hay thuê được kho lạnh để trữ nguyên liệu tôm buộc các DN tôm tại ĐBSCL đang phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân.
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị thiếu hụt. Với các DN hải sản khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thiếu khoảng 50%. Với các DN tôm hiện đang ngưng NK tôm do không còn kho lạnh chứa (cả kho của DN và kho thuê) và các đơn hàng bị giảm.
Trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động SXXK được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có cũng chỉ có thể đáp ứng được 50% - 70% nhu cầu sản xuất.
Vận chuyển hàng hóa bị đảo lộn
Hiện các DN thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển các containers hàng hóa XK-NK vì nhiều chuyến tàu bị trì hoãn nhiều ngày, thậm chí bị hủy chuyến. Các hãng tàu biển cắt giảm các chuyến tàu, thay đổi hành trình và cảng đến làm cho thời gian vận chuyển dài, DN bị phát sinh nhiều chi phí.
Việc nhập khẩu và thông quan hàng hóa ở các nước bị ngưng trệ, lệnh phong tỏa ở một số nước làm các cảng biển bị ùn ứ gây thiếu containers lạnh.
Do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc,..) nên nhiều khi các container hàng đã về cảng nhưng DN không đưa được hàng về vì chưa nhận được chứng từ gốc của nhà NK gửi. Xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì chứng từ gốc đến chậm hơn các containers hàng.
Doanh nghiệp khó khăn về tài chính
Hầu hết các DN thủy sản ở cả 3 nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính vì DN thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, DN không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.
Lãi suất vay ngân hàng cao. Mặc dù đến nay, đã có một số Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Quyết định 420/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước) nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và tại các địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng.
DN bị “gánh” nhiều loại chi phí: phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo Có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ, phí báo có ... tại Ngân hàng.
DN bị phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa như: Chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu cont tại cảng,... Chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19 (khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn,...).
Các chi phí đầu vào tăng cao đáng kể: như điện, nước, nguyên vật liệu, tiền lương công nhân…. Mặc dù tình hình DN ký kết được rất ít đơn hàng, hoạt động sản xuất gần như cầm chừng nhưng DN vẫn cố gắng giữ lại lực lượng lao động nhằm hỗ trợ cho người lao động ổn định đời sống.
Trước tình hình khó khăn của DN thủy sản, VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo hoặc có ý kiến đề nghị với Chính phủ, các Bộ và các CQ liên quan về các khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải:
1. Chính phủ xem xét đề nghị Tổng LĐLĐ miễn nộp kinh phí Công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020, và tạm dừng việc đóng BHXH đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm.
2. Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm 50% thuế TNDN năm 2020.
3. Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.
4. Chính phủ và Bộ GTVT tạm ngưng thu phí BOT đến hết 2020 để giảm chi phí vận chuyển.
5. Chính phủ và các Bộ (NNPTNT, Lao động TBXH, Tài nguyên Môi trường, Tài chính): giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra - kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho các DN thủy sản.
6. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước: chỉ đạo các Ngân hàng Cổ phần nhà nước, Ngân hàng Thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này.
7. Đề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Đề xuất các Ngân hàng giảm các loại phí khi DN giao dịch với Ngân hàng và tạo điều kiện cho Doanh nghiệp tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi.
8. Đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục hành chính.
9. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho SXXK của các DN sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có i) kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; ii) hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; iii) sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích SXXK và gia công XK.