Vào TPP: Việt Nam sẽ cam kết thay đổi pháp luật về lao động?

(vasep.com.vn) Dự kiến vào tháng 7/2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV. Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, việc sớm phê chuẩn TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm chính trị cao của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP; góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết.

Cho đến nay, nội dung và phạm vi của các Hiệp định tự do thương mại ngày càng được mở rộng từ các quy định về thuế quan, hải quan, sở hữu trí tuệ, đầu tư… Trong đó, Hiệp định TPP được coi như FTA thế hệ mới có phạm vi vừa sâu về nội dung cam kết vừa rộng về phạm vi và lĩnh vực cam kết, đồng thời cũng là Hiệp định có các điều khoản về lao động chặt chẽ nhất so với tất cả các FTA trong lịch sử.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, cụ thể là họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới.  

Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không bảo đảm các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các nước tham gia Hiệp định TPP đưa ra những cam kết riêng về lao động trong một chương riêng của Hiệp định.

Hiệp định TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động mà tất cả các nước thành viên TPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi với tư cách thành viên ILO.

1. Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và số 98 của ILO);

2. Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và số 105 của ILO);

3. Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và Công ước số 182 của ILO);

4. Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và số 111 của ILO).

Ngoài ra, TPP còn bổ sung thêm nội dung về “những điều kiện lao động có thể chấp nhận được” về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn, sức khỏe nghề nghiệp.

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992. Với tinh thần bảo đảm điều kiện lao động tốt nhất cho người lao động, Việt Nam đã chủ động phê chuẩn 5 công ước cơ bản của ILO, bao gồm các công ước số 29, 100, 111, 138 và 182. Với 3 công ước cơ bản còn lại là các Công ước số 87, 98 và 105, Việt Nam đã và đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn. Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO thì các nước thành viên ILO dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản nêu trên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện 4 tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước đó.

Trong số 12 quốc gia thành viên TPP, số lượng các Công ước cơ bản của ILO đã phê chuẩn không giống nhau, không phụ thuộc vào trình độ phát triển. Brunei và Hoa Kỳ mới chỉ phê chuẩn 2 Công ước, trong khi đó, Chile và Peru đã phê chuẩn cả 8 Công ước. Trong số 8 Công ước cơ bản, số lượng Công ước được phê chuẩn cũng không giống nhau. Công ước số 87 là công ước ít được phê chuẩn nhất, mới được 6/12 thành viên phê chuẩn. Trong khi đó, Công ước số 182 đã được tất cả 12 thành viên phê chuẩn. Điều này cho thấy, các quốc gia thành viên TPP rất quan tâm đến việc xóa bỏ lao động trẻ em nhưng chưa quan tâm hoặc chưa đủ khả thi để phê chuẩn và thực hiện các quy định về tự do hiệp hội.

Tại buổi tọa đàm giữa các Hiệp hội doanh nghiệp lần thứ 5 với chủ đề “Giới thiệu các cam kết về lao động trong TPP và sự chuẩn bị của doanh nghiệp (DN) Việt Nam” vừa diễn ra vào ngày 12/4/2016, đại diện từ các Hiệp hội ngành hàng, các DN không khỏi băn khoăn về những cam kết về lao động của Việt Nam trong TPP. Trong đó, cam kết về lao động tại Kế hoạch hành động của Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động là những cam kết cải tiến pháp luật và thể chế mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ. Việc thực hiện các cam kết này sẽ có tác động làm thay đổi cơ bản quan hệ lao động và công đoàn nước ta.

Theo đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trong cam kết song phương về lao động trong TPP, những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động trong luật pháp Việt Nam cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong TPP. Nhưng vướng mắc lớn nhất là quyền tự do thành lập Tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo quy định của công ước 87, người lao động và người sử dụng lao động hoàn toàn được tự do trong việc thành lập, gia nhập tổ chức theo sự lựa chọn của mình mà không phải xin phép trước. Điều đó có nghĩa là, nếu pháp luật Việt Nam quy định, Tổng LĐLĐ Việt Nam là tổ chức của người lao động duy nhất sẽ trái với công ước 87. Việt Nam và tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở DN.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cũng nêu băn khoăn về việc Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 quy định, các DN đang phải có nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương. Đây đang là quy định mang tính bắt buộc và là gánh nặng cho các DN sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, theo công ước của ILO thì việc bắt buộc trích nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ lương là không tương thích bởi nó thể hiện sự thể hiện sự can thiệp của người sử dụng lao động vào kinh phí công đoàn bởi 2% này lớn hơn nhiều 1% mà người lao động đóng để tham gia công đoàn. Trong cam kết song phương TPP có đề cập việc tổ chức của người lao động vẫn sẽ được hưởng từ khoản 2% này nhưng có thể là nhà nước sẽ quản lý khoản kinh phí này chẳng hạn như: đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động sau khi về hưu…

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất việc sửa Bộ Luật lao động vào chương trình sửa đổi Luật năm 2017. Có 3 quan điểm về việc sẽ đưa quyền thành lập tổ chức của người lao động vào luật nào: Luật về hội, Bộ Luật lao động hay  luật công đoàn.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM