Tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư quy định về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác

(vasep.com.vn) Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và đang lấy ý kiến nội dung dự thảo Thông tư “Quy định về việc ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố danh sách cảng cá chỉ định; công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác”.

Đây là dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 và Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNTngày 31/01/2018 của Bộ NN&PTNT quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.

Theo tờ trình của Tổng cục Thủy sản, Thông tư “Quy định về việc ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố danh sách cảng cá chỉ định; công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác” gồm có 06 chương, 21 điều.

Trước đó, ngày 17/9/2018, VASEP đã gửi Công văn số 135/2018/CV-VASEP tới Tổng cục Thủy sản góp ý dự thảo thông tư quy định các hoạt động kiểm soát ngăn chặn thủy sản khai thác bất hợp pháp. Một số góp ý của VASEP đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa và bổ sung vào Dự thảo.

Tại khoản 3, Điều 8 của dự thảo về kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp tại cảng, VASEP đề nghị bỏ quy định về kiểm tra Giấy chứng nhận ATTP và Nhật ký khai thác thủy sản khi tàu rời cảng. Tổng cục Thủy sản đã tiếp thu và sửa tại Khoản 4, Điều 7 dự thảo về nội dung kiểm tra, giám sát đối với tàu rời cảng:

- Chủ tàu hoặc thuyền trưởng khai báo thông tin theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành theo Thông tư này; xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan cho cơ quan kiểm tra;

- Kiểm tra hồ sơ gồm: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; Giấy phép khai thác thủy sản; Giấy chứng nhận an toàn tàu cá; mẫu Nhật ký khai thác thủy sản; các văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá;

- Kiểm tra thực tế trên tàu gồm: Trang thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, tín hiệu, cứu sinh, cứu hỏa; thiết bị giám sát hành trình; ngư cụ; thuyền viên;

- Kết quả kiểm tra, giám sát nếu đảm bảo điều kiện trước khi tàu cá rời cảng được xác nhận vào biên bản kiểm tra theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành theo Thông tư này.

Tại Khoản 3, Điều 9 về công bố tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, VASEP đề nghị sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Chi cục Thủy sản và Tổng cục Thủy sản trong việc công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Tổng cục Thủy sản đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung vào Điều 8 của Dự thảo về Công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp:

1. Tàu cá bị đưa vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp là tàu cá bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc một trong các hành vi sau:

a) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn;

b) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động thu mua, chuyển tải sản phẩm thuỷ sản từ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên không có Giấy phép khai thác thuỷ sản hoặc giấy phép hết hạn;

c) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên không trang bị thiết bị giám sát hành trình hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, trừ trường hợp bất khả kháng;

d) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên không ghi nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải;

đ) Tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép, giấy chấp thuận hoặc giấy phép, giấy chấp thuận hết hạn;

e) Tàu cá hoạt động khai thác trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực không ghi nhật ký khai thác hoặc ghi không chính xác hoặc báo cáo sai quy định hoặc khai thác quá hạn mức sản lượng được cấp phép;

g) Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn;

h) Tàu cá không có quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực;

k) Tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2. Tàu cá được đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Tàu cá đã xóa đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Thủy sản năm 2017;

b) Chủ tàu cá được quy định tại khoản 1 Điều này đã thực hiện xử phạt hành chính theo quy định sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

c) Chủ tàu cá được quy định tại khoản 1 Điều này chứng minh được vi phạm trong trường hợp bất khả kháng;

d) Tàu cá hoạt động hợp pháp trong vùng biển Việt Nam nhưng bị nước ngoài bắt giữ.

3. Cơ quan quản lý Thủy sản cấp tỉnh có quản lý tàu cá thường xuyên rà soát, tổng hợp, lập danh sách tàu cá thuộc khoản 1 và khoản 2 Điều này, báo cáo Tổng cục Thủy sản để đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản.

VASEP đề nghị sửa, bổ sung Khoản 3, khoản 4, Điều 14 về xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu thành: “Quy định rõ khối lượng lô nguyên liệu trên Giấy xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu sẽ bằng với khối lượng lô nguyên liệu đã được cấp Giấy kiểm dịch của cơ quan Thú y khi nhập khẩu; sản phẩm chế biến từ lô nguyên liệu đã được kiểm dịch thì đều phải được cấp Chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu”.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo không tiếp thu ý kiến góp ý này với 2 lý do: (1) Trình tự thủ tục xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu quy định tại dự thảo tương tự các Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT và 02/2018/TT-BNNPTNT. Đoàn thanh tra DG-MARE sang đánh giá trong tháng 5/2018 tại Việt Nam không có khuyến nghị liên quan đến các nội dung quy định này.

(2) Để bảo đảm truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu đáp ứng quy định EU, thông tin về khối lượng tương ứng với chủng loại nguyên liệu thực tế nhập khẩu được xác nhận trên giấy chứng kiểm dịch và VSATTP do Cục Thú y cấp phải không lớn hơn khối lượng ghi trên giấy chứng nhận khai thác (CC). Nội dung kiểm tra đã được quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của VASEP, các DN thủy sản và các cơ quan có liên quan về nội dung dự thảo thông tư này. Bộ NN&PTNT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo trước khi trình Bộ trưởng ký. VASEP đề nghị các DN có ý kiến với Hiệp hội để tránh vướng mắc sau khi thông tư mới được ban hành.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM