Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế báo cáo việc sửa đổi Nghị định 09/2016 trước ngày 16/7

(vasep.com.vn) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trước ngày 16/7/2018.

Trước đó, ngày 27/6/2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã gửi Thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc doanh nghiệp thực phẩm gặp nhiều khó khăn trong thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Thư kiến nghị nêu rõ, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đã được Thủ tướng ký vào ngày 15/5/2018, trong đó yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các vấn đề sau:

Bộ Y tế: Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại điểm a Khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: a) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên.

b) Xem xét, sớm giải quyết khó khăn đối với doanh nghiệp như: (i) thủ tục kiểm dịch động vật hai giai đoạn, tại hai cấp của cơ quan thú y; (ii) khái niệm “sản phẩm động vật” tại Phụ lục I Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/ 6/ 2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Phụ lục 22 Thông tư số 24/2017/TT-BNPTNT ngày 15/11/2017 ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cho diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết (chỉ nên kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế); (iii) tình trạng hai đơn vị cùng kiểm tra một lô hàng hoặc một đơn vị kiểm tra theo quy định của hai luật nhưng với hai thủ tục khác nhau, cấp hai giấy chứng nhận”.

Ngoài 2 vấn đề vướng mắc nêu trên đã được Chính Phủ đưa vào Nghị quyết 19, gần đây các doanh nghiệp còn vấp phải một vướng mắc mới do Thông tư 12/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 28/09/2017, tại khoản 6 điều 1 đã bỏ đi quyền đề nghị của doanh nghiệp để thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả thử nghiệm của cơ quan quản lý thị trường, mà trước đây đã được công nhận trong Thông tư 26/2012/TT-BKHCN.

Với quy định mới này, trong hoàn cảnh rất nhiều phương pháp kiểm nghiệm của Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc đều có thể bị phá sản bất kỳ lúc nào một cách oan ức chỉ vì kết quả kiểm nghiệm mẫu của cơ quan quản lý thị trường có sai sót, và như vậy, đang gây ra một sự lo lắng rất lớn cho các nhà đầu tư. Việc bãi bỏ quy định này sẽ phù hợp với chỉ đạo của Nghị quyết 19: “Bộ Khoa học và Công nghệ: Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu”.

Để thực hiện Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, cải thiện môi trường kinh doanh, 7 Hiệp hội, Hội đề nghị:

(1) Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP; Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 24/2017/TT-BNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP để ban hành ngay trong quý 3 năm 2018 cho các doanh nghiệp thực hiện.

(2) Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BKHCN theo hướng giữ nguyên quyền đề nghị của doanh nghiệp để thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả thử nghiệm của cơ quan quản lý thị trường, mà trước đây đã được công nhận trong Thông tư 26/2012/TT-BKHCN.

(3) Hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các văn bản này. Để đóng góp ý kiến sửa đổi các văn bản này một cách nhanh chóng và hữu hiệu nhất, các Hiệp hội mong Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại giữa Chính phủ, các Bộ liên quan và các Hiệp hội. 7 Hiệp hội, Hội cam kết sẽ đóng góp hết khả năng của mình để cung cấp các bằng chứng khoa học, các kinh nghiệm thực tế của Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế cho các Bộ sửa đổi các văn bản này phù hợp nhất để giúp cho kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ hơn đúng như chỉ đạo của Chính Phủ.

Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định kể từ ngày 15/3/2017, các loại muối ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung I-ốt. Nghị định 09 chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối ăn trực tiếp, muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung I-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên, cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng I-ốt trong thành phẩm thực phẩm.

Tuy nhiên, tại công văn số 1216/BYT-PC ngày 14/3/2017 của Bộ Y tế trả lời ý kiến của doanh nghiệp lại khẳng định, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường I-ốt. Do đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn và đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế bãi bỏ nội dung hướng dẫn trên.

Trước đó, VASEP cũng đã ít nhất 2 lần phản ánh kiến nghị bằng văn bản về các vướng mắc, bất cập với hướng dẫn quy định sử dụng muối I-ốt tại Công văn số 45/2017/CV-VASEP ngày 7/4/2017 và công văn số 119/2017/CV-VASEP ngày 22/8/2017, cũng như tại các buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng về hoạt động kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế ngày 20/9/2017, cuộc đối thoại với doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự chủ trì ngày 13/3/2017, ngày 13/5/2017 và ngày 8/9/2017.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM