Doanh nghiệp thủy sản vướng mắc về thủ tục kiểm dịch

(vasep.com.vn) Từ đầu năm 2015 đến nay, Công ty Cổ phần Chế biến XNK Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (BASEAFOOD) đã nhập khẩu (NK) gần 3.000 tấn xương cá tuyết muối (kèm theo bong bóng và thịt cá) được bảo quản trong container lạnh nhiệt độ từ 0-5oC. Trong quá trình NK, công ty thực hiện đúng quy định của Nhà nước và được Cơ quan Thú y vùng VI cho phép mang hàng về kho riêng để kiểm dịch, khi có kết quả mới được phép tiến hành sản xuất.

Tuy nhiên, từ ngày 15/8/2016, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản có hiệu lực thi hành, trong đó, theo Điều 14, Cơ quan Thú y lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu để kiểm tra giám sát sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; hàng bị triệu hồi hoặc trả về. Khi có kết quả mới được đưa hàng về kho của DN. Trước đó, để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ NN và PTNT chỉ áp dụng quy định này cho hàng nguyên liệu NK để kinh doanh nội địa.

Cùng với BASEAFOOD, một số DN khác cũng có những phản ánh tương tự tới Văn phòng Hiệp hội VASEP. Các DN cho rằng, việc kiểm dịch nguyên liệu thủy sản NK để sản xuất hàng XK của các container đông lạnh này sẽ phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi khá lớn, hơn nữa có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng đông lạnh do không được thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo quản lạnh.

Ngày 30/8/2016, VASEP đã gửi Công văn số 137/2016/CV-VASEP tới Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) đề nghị Cục xem xét tiếp tục cho phép các Doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt các quy định về kiểm dịch được đưa nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về kho bảo quản riêng của DN trong lúc chờ kết quả kiểm dịch thú y như trước đây. Ngoài ra, Cục xem xét áp dụng cơ chế kiểm soát rủi ro trong kiểm soát nhập khẩu (cho các mục đích NK khác nhau) dựa trên lịch sử chấp hành của DN và nguồn gốc hàng hóa để có thể phân luồng như Hải quan đang áp dụng (xanh-vàng-đỏ) – tránh thực thi kiểm tra 100% số lô NK như hiện nay để tiết kiệm chi phí xã hội và giảm thiểu ách tắc.

Bởi việc yêu cầu thực hiện kiểm dịch tại Cảng nhập như trên là chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN, khiến ách tắc cho sản xuất và chi phí xã hội lớn. Việc này cũng đi ngược lại chính chủ trương của Bộ NN và PTNT và những cách làm tốt khi áp dụng cho mang hàng về Kho chờ kết quả kiểm dịch của Cục Thú y trong suốt thời gian dài vừa qua. Hầu hết các DN luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm dịch để bảo đảm an toàn kinh doanh, nên trong nhiều năm qua các DN đều tuân thủ tốt các quy định liên quan đến kiểm dịch, phải có kết quả đạt yêu cầu mới đưa hàng ra chế biến.

Mới đây, ngày 7/9/2016, Bộ NN và PTNT và Tổng cục Hải quan đã có cuộc họp về triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành. Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai đơn vị đã thống nhất tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và người dân đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo Tổng cục Hải quan, để hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đạt hiệu quả, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, các Bộ, ngành cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015.

Trong đó, cơ quan Nhà nước cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung: Áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin): kiểm tra trọng tâm, trọng điểm; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp đối với hàng hóa của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên (phân loại doanh nghiệp để kiểm tra, chuyển từ phương thức kiểm tra từng lô hàng sang phương thức kiểm tra theo doanh nghiệp); Chuyển căn bản sang hậu kiểm: Chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan; Áp dụng thông lệ quốc tế với các nội dung: Chủ động áp dụng các kinh nghiệm/thực tế tốt của các nước; Áp dụng công nhận lẫn nhau; Chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...).

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM