Doanh nghiệp thủy sản trông chờ vaccine

(vasep.com.vn) 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều tăng trưởng dương khả quan: tôm đạt 1,73 tỷ USD (tăng 13,7%); cá tra đạt 780,8 triệu USD (tăng 17%); cá ngừ đạt 355 triệu USD (tăng 21,3%), nhuyễn thể đạt 332 triệu USD (tăng 15%). Kết quả này thể hiện sự nỗ lực hết sức của các doanh nghiệp thủy sản sau hơn một năm Covid-19 làm đảo lộn mọi sự. Nhưng niềm hi vọng về sức bật ở nửa cuối năm đã mau chóng thay bằng sự lo lắng có thể đạt được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu như đã đề ra không? Và giải pháp và niềm mong mỏi lớn nhất của cộng đồng DN thủy sản lúc này chính là công nhân sớm được tiêm vaccine.

Tôm thừa - nhà máy thiếu công nhân

Theo phản ánh của các DN chế biến, XK tôm từ miền Trung tới Sóc Trăng, Cà Mau, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Tp.Hồ Chí Minh và lan ra các tỉnh lân cận, ĐBSCL quá nhanh khiến nhiều DN dù đã tính trước phương án ứng phó nhưng vẫn không khỏi lúng túng. Vừa để đảm bảo sản xuất bền vững, tránh đứt gãy, vừa phòng chống dịch, nhiều DN đã chủ động thực hiện “3 tại chỗ” trước khi Thủ tướng có Công văn 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương. DN nhận định rõ, đây là việc cần kíp phải làm khi đã có không ít ca bệnh không rõ nguồn lây, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy thực hiện là điều không hề dễ dàng.

Công ty đã cố gắng thuyết phục công nhân, người lao động bằng nhiều cách như: chỗ ăn nghỉ đầy đủ, đồ dùng thiết yếu, phụ cấp thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày để duy trì ổn định sản xuất. Nhiều DN không bố trí đủ nhà ở của công ty thì đành chấp nhận thuê khách sạn hoặc kí túc xá sinh viên.

Tuy nhiên, một số DN than thở, sau khi công ty thông báo thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ - tạm trú tập trung trong doanh nghiệp hoặc khách sạn) thì đến 30%, thậm chí tới 50% công nhân xin nghỉ việc vì con nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì đã tiếp xúc với bà con, bạn bè từ Bình Dương, Long An, Tp.Hồ Chí Minh trở về…

Hiện nay, một số DN đã giảm công suất chế biến từ 30 - 90% do không thể sắp xếp được chỗ ở, nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động. Với đặc thù của ngành chế biến thủy sản thì không thể bố trí chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy đông lạnh, thậm chí còn phải tách biệt với khu chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm. Hơn nữa, từ trước tới nay phần lớn lao động của các nhà máy chế biến thủy sản là người dân địa phương nên vẫn đi về trong ngày, ít trường hợp có nguyện vọng, nhu cầu ở lại khu nhà của công ty.

Hơn thế nữa, để chuẩn bị cho kịch bản “3 tại chỗ”,  không phải ngày một ngày hai mà cần có thời gian chuẩn bị, sắp xếp, thay đổi về phương án sản xuất cũng như tài chính. Mặt khác, một số công ty với lực lượng lao động lớn thì việc bố trí nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, vệ sinh… cùng lúc cho hàng ngàn công nhân tại nơi làm việc là điều không thể. Những DN không thể bố trí được “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 địa điểm” thì buộc phải tạm đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc, vẫn trả lương.

Quý 1 và 2, nguồn tôm nguyên liệu ít và giá cao nên DN chỉ duy trì công suất ổn định. Giống như mùa vụ, kể từ quý 3, XK tăng tốc vì đơn hàng nhiều và tôm bắt đầu rộ thu hoạch. Nhưng năm nay, đúng vào thời điểm nước rút thì Covid-19 lại bao vây tứ phía miền Tây. Dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu vẫn gặp nhiều khó khăn. Lúc này, doanh nghiệp cũng đành phải “bó tay”.

Cho tới nay, mặc dù, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn gửi UBND các tỉnh không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) nhưng hầu hết các tỉnh miền Tây vẫn yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19.

Thêm nữa, lãnh đạo một DN XK tôm bức xúc phản ánh, đúng lúc khó khăn thì nhiều chuyện vô lý cản trở thêm. Ví dụ như xe chở thức ăn nuôi tôm xuống vùng nuôi bị kiểm tra tải trọng xe hay xe chở đầu vỏ tôm không được qua Cần Thơ để bán cho nhà máy chế biến vì không phải xe chở hàng thiết yếu.

Phí chồng phí

Trước kia, mọi chi phí nguyên vật liệu đã tăng, nay DN lo thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí chi phí điện trên mỗi kg sản phẩm, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistic, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần…

Bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ cũng bị đóng cửa. Các DN thủy sản lại tiếp tục đôn đáo tìm các nhà cung cấp thay thế, tuy nhiên hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng.

Trong khi miền Tây tôm nguyên liệu vào vụ, doanh nghiệp không mua được thì các DN tại các tỉnh ven biển như: Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu, các địa phương đều giãn cách hoặc một số cảng cá bị phong tỏa cho có các ca dương tính Covid-19. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà NK cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc.

Sau khi thực hiện “3 tại chỗ”, các DN tiếp tục xoay sở, cân đối tài chính; thay đổi, sắp xếp kế hoạch sản xuất theo thứ tự ưu tiên cho từng đối tượng khách hàng, từng đơn hàng, tận dụng tối đa hàng trong kho… Tuy vậy vẫn không ít khách hàng, nhà NK đòi hủy đơn hàng, bồi thường vì giao hàng trễ.

“Điều mong mỏi của Lãnh đạo DN giờ này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là công nhân, người lao động được tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Doanh nghiệp đang “cầm hơi” sao cho cả ngàn công nhân không bị thất nghiệp. Chỉ cần DN chết sẽ kéo theo cả chuỗi (ngân hàng, nông ngư dân…) cùng “chung số phận” - Tổng Giám đốc một DN XK cá tra tại Đồng Tháp cho biết.

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM