Doanh nghiệp lại lo lắng Tp.HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển

(vasep.com.vn) Cộng đồng DN thủy sản đang không khỏi lo lắng sau khi nghe tin TP.HCM đã bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16/2 đến hết ngày 15/3 nhằm chuẩn bị cho thu phí chính thức từ 1/4. Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho DN thì liệu quyết định này của UBND Tp.HCM liệu đã phù hợp?

Doanh nghiệp lại lo lắng TpHCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển

Trong tuần qua, VPHH VASEP đã nhận được nhiều phản ánh của các DN XK thủy sản về việc Tp.HCM đang có động thái chuẩn bị cho thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4/2022. Theo các DN, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, không công bằng tại thời điểm này là không hợp lý.

Lý do đầu tiên, các DN cho rằng, từ đầu năm 2021 - tháng 10/2021, hầu hết DN chế biến, XK thủy sản vừa phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, vừa phải lo trả tiền lương cho công nhân. Cho đến nay, nhiều DN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực sự hồi phục.

VASEP cũng tiến hành khảo sát, kết quả cũng cho thấy tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đáp ứng được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% DN không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%. Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng DN thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”. Cho tới tháng 10/2021, nhiều địa phương thực hiện tiêm phủ vaccine thần tốc thì DN cũng chỉ có thể hoạt động tối đa 60%.

Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) tổ chức tại Hà Nội, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2021 có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra như: khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.

Năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch COVID-19 lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã thâm nhập vào Việt Nam. Tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, với những biến động khó lường. Do vậy, kinh tế thế giới dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng không vững chắc.

Quý đầu năm nay, mặc dù thị trường NK thủy sản thế giới đang có dấu hiệu phục hồi và khả quan, nhưng chi phí cho sản xuất, cước vận tải biển tăng quá cao, thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân… đang khiến cho cộng đồng DN, trong đó có DN thủy sản bị giảm lợi nhuận.

Việc phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng nhằm tránh ùn tắc, tăng chi phí logistics cho đô thị cảng biển lớn cả nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, giữa bối cảnh khi DN còn chưa vực dậy sau điêu đứng của dịch bệnh và Chính phủ, các Bộ ngành đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho DN bằng các quyết sách linh hoạt thì việc Tp.HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4 là thời điểm không hợp lý và tạo nên tình trạng “phí chồng phí.”

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của Tp. HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Nếu tính chi phí tăng thêm cho một DN thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với DN lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.

Hơn nữa, nhiều DN thủy sản bức xúc phản ánh rằng, một điều vô lý nữa là đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM (DN ở tỉnh) thì bị thu mức phí cao gấp đôi đối với DN mở tờ khai hải quan tại Tp. HCM. Trước đó, nhiều DN đã tính tới việc vận chuyển container (cont) hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng Tp.HCM nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3 - 3,5 triệu đồng/cont. Điều này làm DN ngoài Tp.HCM buộc phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về Tp. Hồ Chí Minh gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu với phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao là 2.200.000 đồng/cont đối với container 20ft; 4.400.000 đồng/cont đối với container 40ft. Trong khi hàng về kho ngoại quan chủ yếu là container 40 ft. Do vậy, các DN cho rằng, Tp.HCM cần thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển một cách công bằng và nên áp dụng chung một mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là hợp lý.

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã nhanh chóng có các biện pháp chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phục hồi và phát triển nền kinh tế. Ngày 5/1/2022, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Theo đó, Chính phủ triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển KTXH, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%. Đồng thời, triển khai nhất quán từ Trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch bệnh.

Chính phủ cũng đang cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển của Tp.HCM từ ngày 1/4 có phải đang đi ngược với chủ trương chung của Chính phủ?

 Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển TP.HCM

- Với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.

- Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont với container 40ft và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

- Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM