Tôm chân trắng tiếp tục là hi vọng của xuất khẩu tôm năm 2014?
(vasep.com.vn) Năm 2014, XK tôm có thể đạt được mức XK 3,5 tỷ USD? Nhà nước - DN - người nông dân phải làm gì để đạt được điều đó? Phát triển tôm sú hay tôm chân trắng? Giải pháp đột phá nào giải quyết được nạn bơm chích Agar vào tôm nguyên liệu? Ảnh hưởng của EMS tới các nguồn cung và cơ hội cho tôm Việt Nam. Đây là những vấn đề nóng đã được đưa ra phân tích, thảo luận tại Hội nghị tổng kết XK tôm năm 2013 vừa diễn ra tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 3/01/2014.
Năm 2013 XK tôm là niềm hi vọng và điểm sáng duy nhất của XK thủy sản Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2013, giá trị XK tôm Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, kết thúc năm 2013, tổng giá trị XK tôm đạt con số 3 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 44% tổng kim ngạch XK thủy sản của cả nước. Đây là một kết quả hoàn toàn bất ngờ và thú vị nằm ngoài kịch bản dự báo của các DN XK tôm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch VASEP cho rằng, ngành tôm Việt Nam đã có sự nỗ lực đầy ấn tượng sau những thắng lợi từ thị trường Mỹ và sự giúp sức từ phía cơ quan quản lý trong việc kiềm chế dịch bệnh sau EMS, người nuôi thêm khả năng khôi phục sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Để có hướng đi đúng cho phát triển sản xuất, chế biến, XK tôm trong năm 2014, đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, DN và người nuôi đã cùng thảo luận về 3 vấn đề nóng dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển ngành tôm trong năm 2014 là: Nên phát triển tôm sú hay tôm chân trắng? Làm gì để giải quyết được nạn bơm chích Agar đang bùng phát trong tôm nguyên liệu? Nhà nước, DN và người nuôi cùng đánh giá về việc kiểm soát Hội chứng tôm chết sớm (EMS) của các nguồn cung lớn để tìm cơ hội cho tôm Việt Nam.
Từ đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, DN đến người nông dân đều cho rằng, phát triển nuôi tôm chân trắng trong năm 2014 là một xu thế và hướng đi đúng với nhu cầu của thị trường bên cạnh duy trì lợi thế nuôi tôm sú. Nhưng vấn đề đặt ra là, Nhà nước phải làm sao kiểm soát tốt được dịch bệnh và chủ động được con giống sạch bệnh và có chất lượng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chủ trương của Bộ NN và PTNT trong năm 2014 là tăng diện tích và sản lượng nuôi tôm chân trắng nhờ thời gian nuôi ngắn, năng suất cao nhưng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của việc này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Vì lợi nhuận cao nên hiện nay người nông dân đã đổ xô sang nuôi tôm chân trắng, kể cả tại vùng nuôi thay vì nuôi tôm sú với tỷ lệ rủi ro cao. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu và sự đầu tư cơ sở hạ tầng thích hợp thì khó có thể giữ được con tôm sú như hiện nay.
Theo ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp), con tôm sú với đặc tính sinh học tốt hơn con tôm chân trắng, ngon hơn và giá XK cũng cao hơn nhưng nếu Nhà nước không có những biện pháp đầu tư phát triển con giống tốt thì khó có thể cạnh tranh được vì hiện nay giá thành sản xuất, nuôi tôm sú của Việt Nam đang cao hơn so thế giới từ 10-20%. Trong khi đó, tại một số vùng nuôi tôm quảng canh đã chuyển sang nuôi tôm chân trắng với kích cỡ lớn tới 18-20 con/kg, giá tốt hơn lại quay vòng nhanh hơn.
Đã hơn 20 năm nay, ĐBSCL chấp nhận “sống chung” với nạn bơm chích Agar vào tôm nguyên liệu. Vì lợi ích trước mắt kiếm được siêu lợi nhuận nên tình trạng này càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn và không thể kiểm soát. Trước đây một số người bơm chích tạp chất vào đầu tôm nguyên liệu một cách lén lút thì hiện nay nhóm người này đã phát triển thành xưởng bơm chích với hình thức tinh vi hơn là bơm trực tiếp cơ thịt của tôm. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi các thương lái sẵn sàng mua tôm với giá cao hơn đến 50.000 đồng/kg để bán sang thị trường Trung Quốc. Trước tình hình diễn biến xấu như hiện nay, để giữ uy tín cho tôm Việt Nam, cả DN, cơ quan quản lý không thể cứ khoanh tay đứng nhìn.
Hiện nay, sản xuất tôm tại các quốc gia lân cận như: Trung Quốc, Thái Lan đang phục hồi sau EMS nhưng phải mất 2 năm các nước này mới đi vào ổn định. Trong khi đó, một nguồn cung khác là Ấn Độ ít bị ảnh hưởng của EMS cũng đang cạnh tranh với các DN XK Việt Nam. Tuy nhiên, vụ nuôi của nước này lại chậm hơn so với Việt Nam từ 1-2 tháng. Như vậy, theo đánh giá của ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các DN XK tôm Việt Nam nên tận dụng cơ hội của hai quý đầu năm 2014 để đẩy mạnh, gia tăng kim ngạch XK.
Một số DN và người nuôi cho rằng, năm 2014, tổng kim ngạch XK tôm Việt Nam có thể đạt con số 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch VASEP, kết quả này có đạt được hay không còn tùy thuộc việc kiểm soát tốt nạn bơm chích tạp chất, tận dụng thời cơ sau EMS và vượt qua khó khăn về thị trường.
Cũng tại hội nghị này, VASEP vinh danh 12 DN XK tôm hàng đầu Việt Nam năm 2013. Đây là những công ty đạt kim ngạch XK cao nhất và có nhiều nỗ lực sau một năm vượt khó:
STT
TÊN DOANH NGHIỆP
GT (triệu USD)
1
MINH PHU SEAFOOD CORP
366,5
2
STAPIMEX
140,5
3
QUOC VIET CO., LTD
132,4
4
FIMEX VN
95,4
5
NHATRANG SEAFOODS F 17
89,7
6
CASES
80
7
UTXI CO
73,9
8
THUAN PHUOC CORP
73,2
9
VINA CLEANFOOD
68,6
10
SEA MINH HAI
57
11
AUVUNG SEAFOOD
91,6
12
AK SEAFOOD
54
Dưới đây là một số báo cáo và hình ảnh tại hội nghị này:
· Chương trình hội nghị
·Tọa đàm
Tạ Hà