Xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng tăng 9%

Mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng được ngành nông nghiệp Sóc Trăng đánh giá là cơ bản thành công cả về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu du tỉnh gặp khó do dịch COVID-19.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ tôm năm nay, nhiều mô hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao được phát triển và nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Toàn tỉnh có hơn 4.000 ha nuôi tôm theo mô hình ao nổi, ao bạt và các mô hình sản xuất theo hướng thâm canh, siêu thâm canh và công nghệ cao.

Ngoài ra, các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động rất là linh hoạt, thích ứng nhanh trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm 2021 đạt trên 910 triệu USD, tăng khoảng 9% so với năm 2020.
Năm 2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 53.000 ha, vượt gần 4% kế hoạch; trong đó, tôm thẻ chân trắng là 40.000 ha và tôm sú 13.000 ha. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm trên 93%.

Theo đó, tỷ lệ thiệt hại chỉ chiếm khoảng 6%, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt trên 183.000 tấn, vượt 6,5% kế hoạch và cao hơn 17,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng về tình hình giá tôm, trong những tháng đầu năm, giá tôm luôn ở mức khá cao so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong tháng 7 và tháng 8 là khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá tôm liên tục giảm và ở mức thấp.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Đây là một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả tốt trong chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh của ngành nông nghiệp.

Trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu sẽ thả nuôi tôm nước lợ 51.000 ha với sản lượng 196.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau thành các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng tập trung, hợp tác, liên kết thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả để người dân ứng dụng vào sản xuất, nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất… để nâng cao giá trị và phát triển bền vững./.

(Theo TTXVN)

BÁO CÁO NGÀNH HÀNG TÔM (2016-2021), DỰ BÁO TỚI 2025

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục