Tôm nước lợ năm 2024 vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo

Giá thành sản xuất cao, chưa cạnh tranh với tôm các nước khác trên thế giới. Chất lượng con giống, xuất khẩu chưa thật sự khởi sắc; người nuôi còn e ngại; các ngân hàng chưa mặn mà cho vay nuôi tôm… đó là những nỗi lo từ nhiều năm nay được dự báo năm 2024 này vẫn chưa thoát khỏi.

Mạnh xuất khẩu, yếu đủ thứ

Tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024. Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, một thách thức lớn đang đặt ra không chỉ Bạc Liêu mà đối với tất cả các tỉnh, thành nuôi tôm trên phạm vi cả nước, đó là bài toán về môi trường, dịch bệnh trong sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Theo Cục Thủy sản, năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000; tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỉ con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỉ con và tôm sú 30 - 40 tỉ con). Diện tích nuôi tôm đạt 737.000ha (tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha).

Sản lượng tôm các loại ước đạt 1.065 nghìn tấn, trong đó tôm sú 300 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 765 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4,0-4,3 tỉ USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam đứng Top 12 doanh nghiệp xuất khẩu chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm; xuất khẩu tôm sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022.

Bà Trần Thụy Quế Phương - Chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra nhận định, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu.

Thị trường, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% đến 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Trong năm 2024, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết, việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới; chi phí đầu tư vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm 2024.

Người nuôi tôm đã giảm lãi do giá thành quá cao

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho rằng, giá thành của tôm nước lợ đã quá cao. Người nuôi tôm quảng canh dù năng suất đạt so với kỳ vọng nhưng giá không tăng khiến số tiền thu về không nhiều.

Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản theo mô hình quảng canh lớn nhất nước, nhưng năng suất khó tăng, giá không tăng khiến người nuôi lãi rất thấp. Ông Sử cho rằng, vấn đề giá thành hiện nay là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp trước mắt và lâu dài khắc phục thì khó khăn còn phải đối mặt trong năm 2024 và thời gian tới.

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho hay, con giống nói nhiều lần, nhiều năm nhưng chất lượng không cao; giống trôi nổi còn nhiều.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.

Theo đó, các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh. Cùng đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistic, hướng đến sản xuất xanh...

Theo laodong.vn

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục