Nuôi tôm công nghệ cao không gây hại môi trường

Áp dụng bể biogas giúp xử lý tốt chất thải trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao, giúp ngành thuỷ sản phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao lượng chất thải rất lớn. Ảnh: Minh Đảm.

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao lượng chất thải rất lớn. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhất là siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao do quản lý tốt được dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng chưa đầu tư công nghệ xử lý nước thải cũng tạo ra bất cập, nhất là việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến những hộ nuôi khác.

Tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, địa phương có phong trào nuôi tôm công nghệ cao đang phát triển, ông Lâm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đối với quy trình xả nước thải của nuôi tôm công nghệ cao là người nuôi phải có ao (hồ) lắng nước thải rồi mới xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, không phải đều đạt hết, vẫn có trường hợp chưa đảm bảo.

Điều này gây xung đột với những người nuôi tôm quảng canh (thả lan). Đối với những trường hợp như vậy, UBND xã cũng có vận động nhắc nhở những hộ nuôi khắc phục và ký cam kết không được xả nước thải trực tiếp ra môi trường."

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, năm 2021, đơn vị này đã thực hiện 4 cuộc thanh tra trong nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao, 5 cơ sở nuôi cá lóc trên địa bàn các huyện: Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải.

Để khắc phục bất cập này, nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao đã đầu tư hệ thống biogas xử lý chất thải xi-phông rất hiệu quả. Chúng tôi cũng ghi nhận hiệu quả của cách làm trên tại khu nuôi tôm thẻ chân trắng 20ha tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh của anh Lê Nguyễn Văn Khoa.

Tại khu nuôi này, các đây khoảng hai năm, anh đầu tư 14 hồ tròn, mỗi hồ có diện tích 1.200m2. Mỗi hồ anh đầu tư một bể biogas bằng vật liệu composite với thể tích 17m3. Chất thải xi phông, kể cả vỏ tôm, xác tôm chết từ hồ nuôi được đưa vào bình biogas. Qua xử lý, nước thải từ bể biogas chảy ra ngoài trong suốt, không có mùi hôi.

Nước thải từ ao nuôi tôm sau khi xử lý qua bể biogas trong suốt không còn mùi hôi. Ảnh: Minh Đảm.

Nước thải từ ao nuôi tôm sau khi xử lý qua bể biogas trong suốt không còn mùi hôi. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Khoa nói: “Cái này đầu tư cũng nhẹ chi phí nhưng hiệu quả rất cao. Nước thải ra, có giấy kiểm nghiệm môi trường, đạt." Anh Khoa vừa nói vừa dẫn chúng tôi về ao lắng nước thải, cho thấy nước thải có màu xanh của tảo, có cá sinh sống, tương tự như màu nước sông.

Mới đây, UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có Quyết định số 390/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng và phát triển ngành thủy sản thị xã Duyên Hải hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nước thải trong khu hồ lắng trong suốt, nhiều tảo có cá sinh sống, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Nước thải trong khu hồ lắng trong suốt, nhiều tảo có cá sinh sống, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Cụ thể, đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm trở lên, giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 380 triệu đồng trên ha mặt nước, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 11.000ha trở lên. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 35.450 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.450 tấn, sản lượng khai thác thủy sản đạt 11.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đề ra các giải pháp là phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chế biến thủy sản...

Trong đó, chú trọng áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất thủy sản. Đồng thời, để phát triển ngành thủy sản cũng cần tổ chức bảo tồn, khai thác nguồn lợi thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch, năng lượng, giao thông và phát triển đô thị, công nghiệp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, 7 tháng đầu năm 2022, địa phương đã thả nuôi 4,74 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 7.000ha, trong đó thâm canh mật độ cao là 1,48 tỷ con trên diện tích 733ha.

Bảo Ngọc (Theo Nông nghiệp Việt Nam) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục