Người nuôi tôm miền Tây ứng phó với tăng giá xăng dầu

Giá xăng tăng cao khiến giá thức ăn, vật tư đầu vào cho nuôi tôm; chi phí cải tạo ao cũng tăng theo. Điều này khiến cho nhiều người nuôi tôm lâm vào cảnh khó khăn, e ngại tái vụ. Tuy nhiên, không thể bỏ nghề, chính vì vậy đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết nhằm “sống chung” với giá xăng dầu tăng.
Người nuôi tôm miền Tây ứng phó với tăng giá xăng dầu
Một hồ nuôi tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Chi phí nuôi tôm tăng cao

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn nuôi tôm đã được điều chỉnh tăng khá cao, với mức tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Đến nay, với tác động của giá xăng dầu khiến giá thức ăn nuôi tôm có chiều hướng tăng thêm từ 2.000-3.000 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. 

Anh Long Văn Nghĩa, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, thông tin: “Ảnh hưởng lớn nhất là những hộ đang nạo vét, cải tạo ao nuôi tôm. Trung bình một chiếc xe cuốc đất mỗi ngày tốn khoảng 120 lít dầu. Trong khi hiện nay giá dầu tăng cao khiến đơn vị thi công buộc phải lên giá. Chính vì vậy, chi phí cải tạo ao phải tăng thêm khoảng 20%”.

Cũng theo anh Nghĩa, với việc giá xăng, dầu tăng cao khiến cho chi phí vận chuyển thức ăn nuôi tôm, vật tư đầu vào tăng theo. Trung bình người nuôi tôm phải chịu chi phí tăng thêm khoảng 7-10%.

Thông thường, sau Tết Nguyên đán, người nuôi tôm sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, vuông, chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, với việc giá xăng tăng cao kéo theo chi phí thuê cơ giới cải tạo tăng theo khiến cho nhiều hộ chưa dám tái vụ.

Ông Trần Quang Hiên, ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ở địa phương chưa dám tái vụ. Phần lớn là do chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc tăng cao.

Ngoài ra còn do chi phí cải tạo đội lên gấp nhiều lần. Một số hộ nuôi tôm công nghệ cao thì đành phải cầm cự nuôi do đang có tôm trong ao. Nhưng tình hình chung của người nuôi tôm là đang rất khó khăn”.

Tìm cách “né” cơn bão giá đầu vào

Ông Đặng Văn Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 - huyện Hòa Bình phân tích: “Nếu cứ làm ăn theo kiểu riêng lẻ, mạnh ai nấy làm thì sẽ rất khó trong việc giảm giá thành đầu vào trong suốt quá trình nuôi. Hơn nữa, nếu nuôi riêng lẻ, khi xuất bán rất dễ bị ép giá làm ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối vụ. Nhưng nếu làm theo quy trình tập thể, bài bản có liên kết từ khâu mua giống, chọn nhà cung cấp thức ăn, vi sinh… thì người nuôi tôm mới có lãi trong cơn bão giá đầu vào như hiện nay”.

Ông Long Văn Nghĩa, hộ nuôi tôm huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận: “Chỉ có liên kết sản xuất theo kiểu liên kết trong trồng lúa mới giảm chi phí”.

Để hoạt động nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát, nắm tình hình cải tạo ao, diện tích nuôi, lượng giống thả; đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình nuôi, trước mắt làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi, chủ động nguồn giống...

Mục đích nhằm hướng đến người nuôi tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo quy trình kỹ thuật sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

(Theo báo Lao động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục