Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau bị sụt giảm, đầu ra con tôm không ổn định so với thời điểm chưa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều này khiến cho người nuôi tôm ở Cà Mau phải đối mặt với khó khăn kép.
Ông Nguyễn Thanh Phương ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh chia sẻ, gia đình ông chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu như trước đây, gia đình ông thu hoạch tôm bán được với giá khoảng 120.000 đồng/kg loại 50 con thì nay, chỉ bán được khoảng 90.000 đồng/kg. Tôm loại 100 con chỉ bán với giá khoảng 65.000 đồng/kg, trong khi trước đó bán được 90.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tôm mỗi ngày sụt vài nghìn đồng, không duy trì ở mức ổn định. Có lúc, tôm nuôi đến đợt thu hoạch nhưng không thấy thương lái đến thu mua, hoặc mua với số lượng nhỏ giọt.
Liên quan đến việc thu mua nguyên liệu tại vùng nuôi, thương lái thu mua tôm ở Cà Mau cho rằng, nhiều nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh tạm ngừng chế biến để phòng, chống dịch COVID-19 nên lượng tôm thu mua cũng giảm theo. Thương lái không dám thu mua tôm với số lượng lớn vì rất khó vận chuyển đi tiêu thụ.
Anh Lâm Vũ Linh, một thương lái thu mua tôm tại Cà Mau bật mí, nếu như lúc trước, anh thu mua được khoảng một tấn tôm/ngày thì nay, chỉ thu mua được từ 100 - 200 kg/ngày. Trong thời gian tỉnh áp dụng thực hiện giãn cách xã hội, việc thu mua, vận chuyển tôm đi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, anh vẫn duy trì thu mua tôm của người dân nhưng hạn chế về số lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tình hình nuôi tôm hiện đang gặp khó khăn. Cụ thể, giá tôm giảm do giá thức ăn, vật tư đầu vào tăng cao làm tăng giá thành sản xuất. Trong khi đó, người dân bán tôm sú với giá thấp hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tôm thẻ có giá bán thấp hơn từ 15.000 - 35.000 đồng/kg và tôm thẻ loại kích cỡ khoảng 40 con/kg thì giá bán càng thấp hơn so với thời điểm trước khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở tỉnh Cà Mau đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là làm biến động đến giá các mặt hàng thủy sản.
Đề cập vấn đề này, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho hay, người nuôi ở Cà Mau hiện đang đối mặt với khó khăn kép. Đó là tiêu thụ mặt hàng tôm gặp khó khăn và giá cả tôm nguyên liệu giảm mạnh. Cùng đó, các cơ sở sản xuất tôm giống giảm công suất sản xuất chỉ còn khoảng từ 50 - 60% so với trước khi giãn cách do khó tìm đầu ra.
Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét giảm giá điện, bình ổn giá vật tư đầu vào nhất là thức ăn tôm đang tăng liên tục trong thời gian qua; sớm ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn để các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu và người dân đẩy mạnh sản xuất.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định đã được ban hành để tháo gỡ bớt khó khăn trong việc xin cấp giấy hép hoạt động trong thu hoạch, vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất. Đồng thời, sở tập trung chỉ đạo sản xuất, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nhằm giảm chí phí, giá thành; tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh đã thường xuyên cập nhật thông tin về giá cả, thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin cho người dân biết để yên tâm tiếp tục đầu tư phát triển nuôi tôm; kịp thời hướng dẫn quy trình nuôi tôm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn tỉnh khuyến cáo đến người dân thả tôm giống với mật độ thưa từ 100 – 150 con/m 2, thực hiện mô hình nuôi từ 2 – 3 giai đoạn để thu hoạch tôm cỡ lớn, giá bán cao hơn cũng như áp dụng các quy trình nuôi tôm an toàn thực phẩm, không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm để nâng cao chất lượng, có giá bán tốt hơn.
(Theo báo Tin tức)