Sau rất nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, ngành tôm Sóc Trăng cơ bản đã vượt qua những thử thách trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19. Khó khăn được tháo gỡ kịp thời cùng những tín hiệu lạc quan của nhu cầu tiêu dùng ở cả thị trường trong và ngoài nước đang là những cơ hội tốt để người nuôi tôm và các công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh yên tâm phục hồi chuỗi sản xuất trong những tháng còn lại của năm.
Tỷ lệ tiêm vaccine cho công nhân cao giúp nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh nhanh chóng khôi phục hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm.
Giá vật tư và thức ăn liên tục tăng trong khi giá tôm thương phẩm bán tại ao luôn ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của rất nhiều hộ nuôi tôm trong giai đoạn đầu thực hiện yêu cầu giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù những ngày gần đây, giá tôm đã bắt đầu tăng trở lại sau thời gian dài liên tục giảm, nhưng giá chỉ tăng mạnh đối với tôm đạt kích cỡ từ 25 - 40 con/1kg nên không vội thu hoạch mà tiếp tục chăm sóc để tôm đạt cỡ lớn hơn được nhiều hộ xem là giải pháp an toàn để thu lợi nhuận cao hơn khi đã phải đầu tư một chi phí khá lớn cho vụ nuôi nhiều rủi ro này. Ông Nguyễn Văn Huynh – hộ nuôi tôm ở ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Ao tôm của tôi nuôi hôm nay nữa là được 65 ngày rồi, ráng kéo dài 3 tháng nữa mới thu hoạch để đạt từ 40 con/1kg, như vậy mới mong bán được giá cao, chứ kích cỡ nhỏ là giá thua rồi. Tôi cũng cố gắng chăm sóc như bổ sung vôi định kỳ, bổ sung vi sinh và khoáng để tôm phát triển tốt, nhanh lớn hơn”.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 22 nhà máy chế biến tôm. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Sóc Trăng hiện là một trong những địa phương có khả năng phục hồi chuỗi cung ứng ngành tôm khá tốt nếu tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, các giải pháp khai thông trong vận chuyển hàng hóa trong tỉnh và liên tỉnh từng bước thuận lợi hơn đã giúp các nhà máy chế biến nhanh chóng trở lại tiến độ sản xuất với công suất lớn hơn khi nguồn nhân lực đảm bảo.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp cũng đã xây dựng phương án sản xuất phù hợp với tình hình mới nhằm đáp ứng các đơn hàng vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến phụ thuộc hơn 70% vào sản lượng tôm nuôi tại địa phương nên việc giải tỏa áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu của các doanh nghiệp rất cần sự chung tay của người nuôi tôm tại tỉnh. Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng - Trần Văn Tuấn cho biết thêm: “Được tiêm vaccine công nhân yên tâm đi làm, công suất nhà máy tăng thì khi đó giá tôm cũng sẽ có nhiều cải thiện hơn. Theo dự báo nhu cầu tiêu dùng vào những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh do rơi vào các dịp lễ tết nên bà con cứ yên tâm thả nuôi để cung ứng kịp thời nguồn tôm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến”.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả nuôi trên 45.000 hecta tôm nước lợ (đạt 80% kế hoạch), diện tích tôm đã thu hoạch trên 28.000 hecta, đạt sản lượng 128.000 tấn. Như vậy vẫn còn gần 6.000 hecta chưa thả giống. Ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi cần thả tôm với mật độ phù hợp để đạt kích cỡ lớn, áp dụng các mô hình nuôi tốt để tôm đạt chất lượng cao, quan trọng là thực hiện nghiêm việc không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi. Riêng 14.000 hecta tôm còn lại trên đồng, hộ nuôi cần quản lý tốt chất lượng nước trong ao, cân nhắc điều chỉnh liều lượng thức ăn hợp lý trước những thay đổi của điều kiện thời tiết trong những tháng cuối năm. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Cụ thể đối với số tôm còn trên đồng hộ nuôi cần lưu ý những ngày mưa lớn hay mưa dầm kéo dài cần thiết lập hệ thống xả tràn để xả bớt lượng nước mưa đi nhằm tránh làm xáo trộn các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi. Theo thời gian này, dự báo nhiệt độ thấp nhất là 24 độ, cao nhất là 31 độ. Đối với những đêm nhiệt độ giảm dưới 24 độ bà con cần giảm lượng thức ăn cho tôm ăn, riêng những ngày mưa dầm có thể giảm từ 30 - 40%, thậm chí là bỏ bớt 01 cử ăn trong ngày để hạn chế trường hợp dư thừa thức ăn. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta cũng đã thấy những khó khăn, hạn chế bộc lộ rất rõ. Đòi hỏi thời gian tới chúng ta cần hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trước nhất là tập trung phát triển kinh tế tập thể, chú trọng nâng chất các tổ hợp tác/hợp tác xã. Nên xây dựng các tổ hợp tác/hợp tác xã liền canh liền cư, có tư duy hoạt động như một doanh nghiệp cổ phần về mặt tài chính để thật sự phát huy tốt tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng cao, áp dụng chuyển đổi số và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất; đặc biệt là áp dụng tốt các tiêu chuẩn nuôi mà thị trường thế giới yêu cầu”.
Mặc dù đã có sự chủ động ngay từ đầu, nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 8 vẫn giảm 31% so với tháng 7. Riêng giá trị xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với tỷ lệ 36%. Hoạt động chế biến của các doanh nghiệp dần được khôi phục khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá tôm có dấu hiệu nhích lên, tỷ lệ thiệt hại trên tôm được khống chế tốt,... là những tín hiệu tốt để sản lượng tôm tăng lên theo kế hoạch trong những tháng tiếp theo. Sản lượng tôm nuôi và chế biến xuất khẩu tại Sóc Trăng trong những năm gần đây liên tục đứng vào tốp đầu cả nước nên việc khẩn trương phục hồi chuỗi liên kết từ khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu là rất cần thiết. Bởi điều này không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch của riêng ngành tôm Sóc Trăng mà còn có vai trò quan trọng trong việc phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu là 8,5 tỷ USD mà ngành thủy sản Việt Nam đã đề ra trong năm 2021.
(Theo soctrang.dcs.vn)