Tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị kỹ các bước để phục hồi chuỗi sản xuất ngành hàng tôm nhưng do giá đang thấp, khiến người nuôi do dự cho vụ tôm cuối năm.
Tôm cỡ nhỏ giảm giá sâu
Tại Sóc Trăng, dân nuôi tôm dõi theo thị trường tôm nguyên liệu từ ngày 19/7 (thời điểm các tỉnh trong vùng lần lượt thực hiện Chỉ thị 16) đến nay, giá tôm các loại giảm bình quân 20.000 - 30.000 đ/kg.
Hiện nay, ước chỉ 30 - 40% các doanh nghiệp (DN) thủy sản ở vùng ĐBSCL được đánh giá có khả năng phục hồi lại sản xuất sau dịch Covid-19. Trong đó tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương trong vùng thực hiện linh hoạt các giải pháp kiểm soát, đề phòng dịch Covid-19 lây lan.
Các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu được tạo điều kiện duy trì hoạt động với phương châm “3 tại chỗ”. Nhờ vậy lượng tôm nguyên liệu được tiêu thụ khá đều, dù có phần sụt giảm vì các nhà máy giảm bớt công nhân làm việc.
Trước đó, căng thẳng nhất trong 2 tuần đầu thực hiện Chỉ thị 16, một số người nuôi tôm lo lắng bán tôm không được, thu hoạch vội vàng. Các chốt kiểm dịch chặt chẽ. Trong lúc đó, nhân công khó di chuyển từ nhà đến ao thu hoạch tôm hoặc từ vùng nuôi này sang vùng nuôi khác.
Thương lái, xe tải không về được tới ao mua tôm. Mặc dù tại Sóc Trăng, 17 DN có nhà máy chế biến xuất khẩu cùng với 45 DN, cơ sở thu mua sơ chế và hơn 200 thương lái thu mua tôm trên 400 tấn/ngày, nhưng tôm vẫn rớt giá.
Tôm cỡ (size) lớn còn cầm giữ mức giá khá, nhưng tôm cỡ 70 - 100 con/kg giảm giá nặng nhất. Tôm cỡ 100 con/kg giảm còn 50 - 55 ngàn đồng/kg, so với thời điểm 6 tháng đầu năm khoảng 90 - 100 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên, từ ngày 15/8 đến nay, tỉnh Sóc Trăng phân vùng theo mức độ (đỏ, cam, vàng, xanh) kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách. Trong đó, trên địa bàn 5 xã thuộc vùng đỏ (nguy cơ rất cao) lại ít có diện tích nuôi tôm. Do đó, các xã thuộc các vùng còn lại được chính quyền địa phương phối hợp cơ quan chức năng lập đường dây nóng, tạo điều kiện, tháo gỡ ách tắc kịp thời trong khâu vận chuyển, từ khâu vận chuyển con giống về vùng nuôi đến chở tôm nguyên liệu về nhà máy chế biến.
Hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đánh giá khá tốt trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, giá tôm tuy có phục hồi nhưng mức tăng nhỏ giọt so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi giá thức ăn nuôi tôm tăng 10 - 20%, điều này ảnh hưởng đến tâm lý, người nuôi tôm dè dặt, sợ lỗ nếu muốn thả giống nối vụ cho mùa tôm cuối năm. |
Giữ vững vùng nuôi để "vượt sóng"
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng nhận định: Tình hình nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh vẫn cơ bản đảm bảo ổn định, kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh trên tôm, mức thiệt hại ở tôm thấp hơn so với cùng kỳ.
Phần lớn diện tích thả nuôi của vụ 1 tương đối đạt hiệu quả kinh tế, do năng suất tăng cao. Tỉnh vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa sản xuất, lực lượng tham gia của chuỗi ngành hàng của tỉnh cơ bản vẫn đảm bảo an toàn để sản xuất, không bị ù ứ nông sản, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Duy có khó khăn nhất hiện thời là mặt bằng giá tôm thương phẩm đều giảm, nhất là giá tôm thu mua tại ao của người nuôi giảm sâu.
Vụ nuôi tôm năm nay, tỉnh Sóc Trăng có diện tích thả tôm thẻ chân trắng (TCT) tăng cao, chiếm gần 76% diện tích thả nuôi (so cùng kỳ năm 2020 diện tích nuôi tôm TCT là 72,6%). Từ đầu năm đến nay, vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng thời tiết tương đối thuận lợi. Trên tổng diện tích thả tôm nuôi, số bị thiệt hại 2.067 ha (TCT là 1.625 ha), chiếm 4,9% (thấp hơn 589 ha so với cùng kỳ năm 2020). Sản lượng tôm nuôi trong 8 tháng đầu năm tăng cao, đạt trên 81% kế hoạch và cao hơn 42% so cùng kỳ 2020.
Đặc biệt, chuyển biến trong áp dụng kỹ thuật công nghệ mới trong nuôi tôm ở Sóc Trăng đạt hiệu quả, nâng cao năng suất. Nhất là áp dụng quy trình ao nuôi lót bạt thả nuôi mật độ rất cao. Bên cạnh đó, người nuôi cũng thận trọng trong khâu chọn giống, chọn thời điểm thả nuôi, tuân theo hướng dẫn lịch thời vụ của địa phương.
Nhờ vậy, dịch bệnh trên tôm được kiểm soát, giảm tỷ lệ thiệt hại. Năng suất nuôi tôm TCT thâm canh đạt bình quân 5,1 tấn/ha, cao hơn 0,4 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2020. Năng suất nuôi tôm sú thâm canh 4,4 tấn/ha, cao hơn 1,6 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2020. Các trại nuôi tôm mật độ cao (siêu thâm canh) lót bạt, nhiều giai đoạn đạt năng suất bình quân 29,1 tấn/ha.
Từng bước phục hồi chuỗi sản xuất
Năm nay, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch thả nuôi tôm dự kiến sản lượng tôm nuôi đạt 172.000 tấn. Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh thả nuôi 56.255 ha, đạt 76% so với kế hoạch và bằng 118% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch trên 122.000 tấn. Trong đó, vụ nuôi tôm nước lợ từ 20/1 đến nay thả nuôi trên 41.900 ha, riêng tôm TCT trên 31.600 ha, chiếm trên 75%, đạt trên 82% so kế hoạch và bằng 108% so cùng kỳ.
Theo Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng, hiện nay diện tích nuôi tôm trên đồng còn khoảng 18.700 ha (tôm TCT trên 11.600 ha, tôm sú trên 7.000 ha), nếu bảo vệ tốt, sẽ đảm bảo đạt sản lượng kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, dự kiến còn khoảng 10.000 ha nếu điều kiện thuận lợi, người nuôi tôm thả nuôi vụ 2 có thể sẽ tăng thêm nguồn cung tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu đến cuối năm.
Các DN ngành hàng tôm dự báo, thị trường xuất khẩu giá tôm có dấu hiệu tăng trở lại, nhất là đối với tôm có (size) cỡ lớn. Tỉnh Sóc Trăng theo đó cũng vừa đưa ra các giải pháp duy trì sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thuỷ sản trong 3 tháng cuối năm.
Theo đó, Sở NN-PTNT Sóc Trăng phối hợp với địa phương rà soát lại diện tích, sản lượng tôm, chủ động tổ chức thúc đẩy liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm giữa các DN và các chợ đầu mối với các tổ hợp tác, HTX và người nuôi tôm trên địa bàn. Sở cùng các địa phương xây dựng và đào tạo các tổ đội thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và thuận lợi cho việc phục vụ tại chỗ của vùng nuôi. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương trong việc điều tiết, phân phối và tìm nguồn tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.
Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị với Bộ NN-PTNT xem xét, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và tham mưu cho Chính phủ xem xét bình ổn giá thức ăn nuôi tôm, hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể giảm khoảng 30% trong vòng một năm kể từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 và bố trí các chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng thủy sản để phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Theo Tổng Cục Thủy sản, trong 8 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ đạt trên 622.000 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tôm sú 187.300 tấn, tôm TCT 397.000 tấn.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đạt trên 5,6 tỷ USD tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tháng 8, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản như cá ngừ, cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước.
|
(Theo Nông nghiệp VN)