Ngành tôm Cà Mau - Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: Mở rộng quy mô - nhu cầu và giải pháp

“Quy hoạch và quy hoạch lại cả chuỗi giá trị tôm theo hướng thuận thiên, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số. Liên kết chuỗi giá trị tôm đảm bảo lợi nhuận tốt và bền vững cho mọi đối tác tham gia chuỗi giá trị tôm, người nông dân làm giàu được trên mảnh đất của mình”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú khẳng định như thế khi nói về việc quy hoạch ngành tôm của tỉnh. Ðây cũng là vấn đề UBND tỉnh, ngành chức năng tỉnh quan tâm thời gian qua.

Xây dựng nền tảng

Giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong nuôi tôm thương phẩm, nhưng hiện tại tỉnh chưa chủ động về số lượng, chất lượng tôm nước lợ bố mẹ, còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Vấn đề này, Cà Mau đã bắt đầu có sự quan tâm đúng mức.

Ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Việt Úc, nhận xét: “Sự phụ thuộc vào tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên (trên 80%) là hạn chế lớn trong việc chủ động sản xuất và cung ứng nguồn tôm sú giống chất lượng cao, sạch bệnh cho thị trường. Theo kết quả phân tích mầm bệnh nguồn tôm bố mẹ tự nhiên từ nguồn Rạch Gốc, từ cuối năm 2017 đến hết năm 2018, chỉ có 15,17-32,29% tôm bố mẹ sạch mầm bệnh MBV. Ðây được xem là mầm bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm sú nuôi. Cho dù chúng ta đã có nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, nhưng nếu nguồn thức ăn tươi không đảm bảo sạch bệnh cũng là nguồn lây nhiễm cho tôm bố mẹ”.

Khó khăn trên cũng được ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản, thừa nhận: “Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu, chưa chủ động trong sản xuất. Việc cung cấp giống nhu cầu trong tỉnh mới đáp ứng trên 50%, vẫn còn số lượng lớn tôm giống nhập từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch”.

Ðể chủ động nguồn giống, Nhà nước cần hỗ trợ triển khai chương trình chọn giống tôm sú thành công để từng bước chủ động nguồn tôm sú bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu giống của địa phương và khu vực. Các cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính minh bạch của chương trình cũng như các sản phẩm tôm giống được tạo ra, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, nhận xét: “Việc chưa chủ động sản xuất tôm bố mẹ và thiếu tôm giống chất lượng, sạch các tác nhân gây bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm nuôi là hạn chế lớn nhất đối với sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở Việt Nam. Nguồn tôm sú bố mẹ chủ yếu bắt từ tự nhiên và một phần từ chọn giống ở nước ngoài, về lâu dài ảnh hưởng đến nguồn lợi, tính đa dạng sinh học và nguy cơ lây truyền mầm bệnh. Trong khi đó, tôm thẻ lệ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan... Việc nguồn tôm bố mẹ phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu dẫn đến giá tôm bố mẹ cao, giá con giống sản xuất đắt, không chủ động thời gian sản xuất, không kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ”.

Muốn chủ động đầu tư phát triển nguồn giống, trước hết cần có kết cấu hạ tầng đồng bộ.

“Các vùng sản xuất giống và trại sản xuất giống được đầu tư đã lâu, không bài bản; hàng năm, các trại được nâng cấp cải tạo nhưng chắp vá, không đồng bộ. Do đó, hạ tầng sản xuất giống chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hệ thống cấp thoát nước cho các vùng nuôi chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi, dễ xảy ra dịch bệnh”, ông Lê Văn Quang đánh giá.

Chế biến là công đoạn cuối cùng trong chuỗi sản xuất của ngành tôm nước lợ, góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi nước lợ trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Những sản phẩm tôm nước lợ chế biến không những phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Mặc dù không nằm trong khu vực nguyên liệu trọng điểm của tôm thẻ chân trắng, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau hàng năm đạt gần 1 tỷ USD và chiếm gần 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Thế nhưng, tiềm năng của ngành tôm Cà Mau còn lớn hơn nếu đầu tư hiệu quả, khắc phục kịp thời những hạn chế đã và đang vướng.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú.

Ngành chế biến thuỷ hải sản hiện nay phát triển thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, với quy mô sản xuất hàng hoá lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, chế biến thuỷ sản đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả cho công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các yếu tố phát triển bền vững.

Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tôm sinh thái, tôm hữu cơ tại Cà Mau sẽ là cơ hội xây dựng thương hiệu tôm trên toàn thế giới, nếu thành công sẽ là cơ hội cho các nhà thu mua tập trung về đây.

Cần giải pháp phù hợp

Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng ÐBSCL và cả nước, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của tỉnh và cả nước. Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm 280.000 ha, trong đó tôm càng xanh 20.000 ha. Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng, đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 30% nhu cầu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD.

Nhưng để đạt mục tiêu trên, cần thay đổi tư duy nuôi tôm theo kiểu truyền thống của người dân hiện nay. Theo đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên rà soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm để nhân rộng.

Ông Lê Văn Quang cho biết: “Thực tế, khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu thị trường đang tăng, đặc biệt thị trường Mỹ có nhu cầu tôm cỡ lớn rất mạnh. Bà con cần thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Do đó, người dân nên giảm mật độ nuôi để nuôi tôm cỡ lớn. Tôm cỡ lớn (10-30 con/kg) hiện bán được giá tốt và thị trường có nhu cầu cao. Thời gian chế biến 3 kg tôm lớn bằng 1 kg tôm nhỏ”.

Không chỉ nuôi với mật độ dày, thu hoạch không đúng thời điểm làm giảm giá trị mà sản lượng nuôi hiện nay vẫn thấp so với mặt bằng chung nhiều nước.

Ông Lê Văn Quang cho biết: “Ecuado chỉ có 250.000 ha nuôi tôm nhưng sản lượng tương đương với Việt Nam 800.000 ha, với giá thành chỉ bằng 1/2-1/3. Nguyên nhân là ngành tôm của họ được tiếp cận theo hướng thích nghi - kháng bệnh - vừa sức tải của môi trường. Gần 25 năm, họ chọn lọc tự nhiên nên có được quần thể tôm bố mẹ thích nghi với môi trường, kháng bệnh, để đến nay tôm nuôi của họ đạt tỷ lệ sống trên 90%. Còn nhìn sang Ấn Ðộ, giá thành tôm nuôi của họ thấp hơn Việt Nam từ 20-30% là bởi họ có đất rộng, thả mật độ thấp, 30-60 con/m2, nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỷ lệ sống cao hơn”.

Lợi thể để Việt Nam có giá thành tôm nuôi cao nhưng vẫn xuất khẩu tốt được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá là nhờ công nghệ chế biến tôm đứng đầu thế giới với nhiều mặt hàng giá trị gia tăng, hàng cao cấp và hàng ăn liền. Thế nhưng, lợi thế này dần không còn trong 3-5 năm nữa. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì chỉ khoảng 5-10 năm nữa ngành tôm Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh và đi xuống.

Ông Lê Văn Quang đánh giá: “Dịch Covid-19 vừa qua, Ecuado không bán tôm nguyên con được sang Trung Quốc, trong khi từ năm 2020 trở về trước, họ sản xuất 80% là tôm nguyên con, còn lại tôm vỏ và một ít tôm thịt. Họ chuyển sang sản xuất tôm PTO (lột vỏ còn đuôi), PD (tôm thịt lột vỏ bỏ đuôi) và hàng giá trị gia tăng (GTGT), với các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư của Chính phủ. Kết quả, năm 2021 họ đã nâng lên được 30% hàng PTO, PD và gần 10% hàng GTGT. Các doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị của Việt Nam đang lấy công nghệ sản xuất hàng GTGT của các nhà máy chế biến tôm bán sang Ấn Ðộ. Và thế là hàng GTGT của Ấn Ðộ gia tăng đáng báo động”.

Ðứng trước thực trạng trên, ngành tôm Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng cần làm gì để tồn tại và phát triển? Câu trả lời được các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp tại Diễn đàn tôm Việt 2021 khẳng định là quy hoạch và quy hoạch lại cả chuỗi giá trị tôm theo hướng thuận thiên, bền vững, thích ứng biến đối khí hậu theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số. Liên kết chuỗi giá trị tôm đảm bảo lợi nhuận tốt và bền vững cho mọi đối tác tham gia chuỗi giá trị tôm, người nông dân làm giàu được trên mảnh đất của mình.

Ðể quy hoạch ngành tôm hiệu quả, ông Lê Văn Quang nêu quan điểm: “Công tác quy hoạch nên tập trung vào những nội dung chính là: Quy hoạch vùng nuôi tôm - rừng ngập mặn kết hợp với phát triển nuôi thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn (nuôi tôm, cua, cá, nhuyễn thể), gắn bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm thuỷ sản có chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Quy hoạch một số vùng có lợi thế về nguồn nước, cấp thoát tốt, độ mặn cao thành các vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao, áp dụng công nghệ IoT và AI để tăng năng suất, hiệu quả. Về vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, cần xây dựng hình thức nuôi an toàn sinh học, hữu cơ để tạo ra vành đai an toàn sinh học bảo vệ tôm không bị nhiễm bệnh, đạt lỷ lệ sống cao và lợi nhuận tốt. Ðồng thời, cần quy hoạch những khu chế biến tôm, công nghiệp phụ trợ tập trung, gắn với khu đô thị thuỷ sản nằm ở trung tâm và gần vùng nguyên liệu...”./.

(Theo báo Cà Mau)

BÁO CÁO NGÀNH HÀNG TÔM (2016-2021), DỰ BÁO TỚI 2025

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục