Thị trường xuất khẩu tôm Mỹ dự báo gặp khó nửa cuối năm trong khi châu u và Nhật Bản vẫn tốt. Sao Ta ước doanh thu nửa đầu năm tăng 35% và lợi nhuận tăng 45%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu cá tra 1,2 tỷ USD, tăng 90% và tôm đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38%.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm có thể không thuận lợi do ảnh hưởng của lạm phát ở mức cao lan rộng các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu khiến cầu sụt giảm trong khi Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách zero Covid.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) đã có những chia sẻ cùng Người Đồng Hành để rõ hơn về bức tranh ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng.
- Nửa đầu năm có thể nói là thời gian thuận lợi cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung, ông có thể chia sẻ rõ hơn?
- 6 tháng đầu năm, cá tra và tôm có thuận lợi riêng. Trong khi cá tra hưởng lợi từ chiến tranh Nga – Ukraine, Nga bị phong tỏa sản lượng xuất khẩu cá thịt trắng khiến châu Âu thiều nguồn cung, giúp con cá của Việt Nam lên ngôi. Con tôm thì không được hưởng lợi như vậy. Nửa đầu năm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhờ năm trước dịch bệnh, lao động thiếu nên doanh nghiệp Việt hoãn lại và dồn sang nửa đầu năm nay. Giá cước tàu tăng mạnh từ năm trước và duy trì mức cao làm cho doanh số xuất khẩu tăng “ảo” gần 10% (phần doanh số này là khách hàng chia sẻ chi phí vận chuyển). Một điểm nữa là trong 6 tháng đầu năm, giá bán tôm tốt giúp doanh thu cải thiện.
- Kết quả kinh doanh của Sao Ta trong nửa đầu năm ra sao?
- Công ty ước doanh thu tăng 35% và lợi nhuận tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tốc độ tăng lợi nhuận mạnh hơn doanh thu là nhờ nuôi tôm nửa đầu năm khả quan, giá thành sản phẩm cuối cùng giảm trong khi giá bán ra tốt.
- Lạm phát tăng cao tại Mỹ, châu Âu ảnh hưởng như thế nào đến các thị trường xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm?
- Trong các tháng gần đây, Ấn Độ và Ecuador xuất khẩu tôm nhiều qua Mỹ. Trong bối cảnh lạm phát cao ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này, người dân có xu hướng tiết kiệm thì tôm Ấn Độ và Ecuador có lợi thế giá rẻ tạo áp lực lớn cho tôm Việt Nam. Lạm phát và xu hướng tiết kiệm của người dân cũng khiến tiêu thụ tôm tại Mỹ chậm lại dù tồn kho lớn.
Do vậy, tôi cho rằng xuất khẩu sang Mỹ trong nửa cuối năm dự báo khó khăn, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng tìm đến sản phẩm rẻ tiền hơn trong khi tôm Việt vẫn có giá thành cao so với các nước bạn.
Song, Việt Nam còn nhiều thị trường khác để khai thác như châu Âu, Nhật Bản, các thị trường này vẫn chưa xuất hiện yếu tố bất lợi cho tôm Việt. Theo tôi nhận thấy, Ecuador xuất khẩu qua 3 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Sản phẩm của họ ở mức độ chế biến trung bình nên phân khúc cao cấp không bị ảnh hưởng. Thị trường của Ấn Độ chủ yếu ở Mỹ và châu Âu không nhiều.
- Ngoài yếu tố về thị trường thì còn rủi ro nào khác cho con tôm không, thưa ông?
- Một khó khăn cho ngành tôm nữa là dịch bệnh xuất hiện nhiều, khiến con tôm chậm lớn. Điều này làm cho vụ 1 phải kết thúc sớm và sản lượng cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến không tăng đẩy giá thành tôm thương phẩm ở mức cao, khó cạnh tranh với các đối thủ. Do vậy, tôi dự báo trong 6 tháng cuối năm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chế biến sẽ yếu đi.
- Còn tác động lạm phát thì sao?
-Nhìn chung, lạm phát đã làm sức mua thực của người lao động giảm xuống. Sao Ta xác định người nhà mình phải cứu trước, tìm các giải pháp để nâng thu nhập cho người lao động. Điều này sẽ làm cho giá thành tôm tăng lên và càng khó cạnh tranh nhưng phải chấp nhận.
Cùng với đó, giá vật tư đều tăng lên trong khi giá bán tăng không đồng bộ và tỷ giá điều chỉnh không đáng kể.
Riêng chi phí vận tải thành phẩm có sự chia sẻ của khách hàng nên ảnh hưởng không lớn. Doanh nghiệp tốn chi phí nhiên liệu phục vụ cho việc đưa nguyên liệu đến nhà máy và sản phẩm đưa đến cảng. Giá xăng, dầu đã tăng hơn 50% từ đầu năm đến nay nên có ảnh hưởng nhưng do tỷ trọng chiếm trên một sản phẩm tôm thành phẩm không lớn nên tác động cũng không bao nhiêu.
Dù vậy, tổng hòa các yếu tố thì giá thành tôm xuất khẩu đang có xu hướng tăng và tăng lên hằng ngày.
- Vậy Sao Ta có giải pháp gì trước những khó khăn này?
-Sao Ta có 3 thị trường chính gồm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp đã linh hoạt giữa 3 thị trường này. Nửa đầu năm, lực lượng lao động phục hồi, năng lực chế biến tăng lên, thị trường Mỹ còn khỏe nên doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều tạo sự tăng trưởng. Hiện nay, xuất khẩu sang Mỹ không còn giá tốt, khó có lời, Sao Ta linh động đẩy mạnh thị trường Nhật Bản trong khi châu Âu và Mỹ duy trì.
TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thực phẩm Sao Ta
Thị trường Nhật Bản là thị trường gần, giảm rủi ro về logistics. Đây cũng là thị trường đúng với sở trường Sao Ta làm chậm và chắc, chế biến tỉ mỉ. Vào đây, doanh nghiệp phải chấp nhận doanh số không thể tăng đột biến nhưng biên lợi nhuận ổn định.
Chúng tôi có 2 mảng nuôi tôm và chế biến, định hướng cân bằng 2 yếu tố này để giảm thiểu rủi ro mảng chế biến gặp khó do dịch bệnh tôm chậm lớn. Trong chi phí giá thành tôm xuất khẩu, chi phí nguyên liệu chiếm đến 60%. Nếu doanh nghiệp triển khai tốt vùng nuôi, chủ động được thì sẽ giảm đáng kể chi phí.
Về khó khăn lạm phát, doanh nghiệp xác định phải thường xuyên tính toán dây chuyền sản xuất, tăng năng lực sản xuất, giảm phế phẩm, phụ phẩm. Tôi cho rằng, trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả mọi doanh nghiệp, mỗi đơn vị cần có biện pháp tiết kiệm, tối ưu hoạt động sản xuất, tận dụng các nguồn dữ trữ sẵn có.
Với sự chủ động giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả trong hoạt động, tôi tự tin Sao Ta sẽ hoàn thành tất cả chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Thùy Linh (Theo Etime.danviet)