Ngàn tỉ từ đầu tôm, đuôi cá

Giá 1 kg tôm chỉ 20 USD nhưng 1 kg chitosan (chiết xuất từ tôm) có thể có giá 500 USD. Đây là bài toán của ngành chế biến thủy sản…
Chú thích ảnh
Ngành thủy sản cũng đang đặt mục tiêu cao là đến năm 2030, toàn bộ phụ phẩm trong công nghiệp chế biến tôm, cá đều được tái sử dụng cho sản xuất tuần hoàn. Ảnh: Shutterstocks

Vĩnh Hoàn đang là doanh nghiệp có lợi thế dẫn đầu trong ngành thủy sản với mô hình nuôi trồng bền vững và khép kín với 5 công ty con gồm sản xuất giống cá tra, thức ăn thủy sản, chiết xuất và sản xuất gelatin, collagen cùng một công ty liên kết trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của nhà máy sản xuất collagen và gelatin có thể lên tới 30%. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vĩnh Hoàn, cho biết, việc tối ưu hóa được sản xuất, khép kín hết, không để tồn cặn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được lợi nhuận. 

Mô hình tuần hoàn của Vĩnh Hoàn không chỉ có giá trị trong chế biến sản phẩm giá trị cao từ phụ phẩm mà còn đang góp phần vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều công ty thủy sản lớn như De Heus, Minh Phú, Thăng Long, Việt Nam Food, Skretting… cũng đang đầu tư nghiên cứu và phát triển hướng tới nuôi trồng, chế biến thủy sản giảm phát thải ròng theo các cam kết từ thị trường quốc tế.

Vì vậy, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để đưa ra lời giải của bài toán hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Thực tế, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 10 tỉ USD giá trị xuất khẩu ngành tôm, gấp khoảng 3 lần hiện nay, tương đương sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn. Ước tính phụ phẩm từ tôm vào khoảng nửa triệu tấn. Theo ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Việt Nam Food, phụ phẩm từ tôm có thể tạo ra giá trị gấp 20-30 lần nếu ứng dụng vào ngành dược phẩm, hay từ 15-20 lần nếu ứng dụng vào ngành thực phẩm chức năng. Với sản lượng tôm hơn 1,2 triệu tấn, trong năm 2023, lượng phụ phẩm tôm ở Việt Nam vào khoảng nửa triệu tấn.

Mô hình kinh tế tuần hoàn đang mang lại kết quả tích cực cho Vĩnh Hoàn khi doanh thu mảng collagen và gelatin (C&G) ghi nhận mức tăng trưởng CAGR lên tới 21% trong giai đoạn 2018-2023, đóng góp 7% vào tổng doanh thu trong năm 2023. Nếu bán bột cá, mỡ cá thì chỉ có giá 1,2-1,5 USD/kg, nhưng sản xuất collagen có thể thu về từ 15-20 USD/kg thành phẩm. Ước tính, việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15-25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra của Vĩnh Hoàn. 

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN cũng xác định bền vững là xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại nên đầu tư cho mô hình sản xuất tái chế. Trong đó, thay vì phải bỏ ra chi phí lớn để xử lý nguồn thải hơn 7.500 tấn đầu và vỏ tôm thì doanh nghiệp đã hợp tác với một công ty chế biến vỏ tôm và có thể thu thêm 15 tỉ đồng từ chế biến phụ phẩm vỏ tôm.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam hiện có 170-180 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm. Nếu có quy trình và công nghệ thu hồi, tái chế biến, lượng phụ phẩm này có thể mang lại giá trị kinh tế cao, cũng như góp phần giảm rác thải ra môi trường… Ngành thủy sản cũng đang đặt mục tiêu cao là đến năm 2030, toàn bộ phụ phẩm trong công nghiệp chế biến tôm, cá đều được tái sử dụng cho sản xuất tuần hoàn. 

Ông Đào Trọng Hiếu, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, ngoài vấn đề về công nghệ, một trong những vấn đề nan giải nhất là việc thu gom, vận chuyển phụ phẩm vì phân tán, nhỏ lẻ và manh mún. Vì vậy, Hiệp hội Cá tra Việt Nam từng đề xuất các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi đồng bộ, tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng tuần hoàn.

Với các khó khăn trên, bài học của Việt Nam Food trở nên đáng giá khi mỗi năm, Công ty đang xử lý được 35.000-50.000 tấn phụ phẩm tôm, làm tăng giá trị phụ phẩm tôm lên gấp 6-8 lần. Từ kinh nghiệm của mình, lãnh đạo của Việt Nam Food cho rằng, để thúc đẩy ngành công nghiệp này phải có các sáng kiến đột phá và phải xây dựng được hệ sinh thái hoàn chỉnh của ngành. “Chúng tôi tin rằng chất thải hôm nay là tài nguyên của ngày mai. Để làm được điều này bắt buộc phải có sự định hướng của Nhà nước vì đây là ngành mới”, ông Lộc cho biết.

Nguồn: nhipcaudautu.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục