Thị trường cua thế giới: Nguồn cung giảm, giá tăng trong năm nay

(vasep.com.vn) Ngư trường khai thác cua hoàng đế và cua tuyết tại vùng biển Bering đóng cửa trong phần lớn thời gian của năm 2021 và dự kiến vẫn tiếp tục đóng cửa trong năm 2022. Do vậy, nguồn cung mặt hàng này vẫn thấp và giá liên tục tăng.

Chú thích ảnh

Theo Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS), ngư trường khai thác cua hoàng đế ở vịnh Bristol trong vụ 2021/2022 vẫn đóng cửa. Đây là lần thứ tư ngư trường này bị đóng cửa, lần trước đó là vào năm 1994. Tổng sản lượng được phép khai thác (TAC) giảm trong những năm qua. TAC năm 2008/2009 là 9.072 tấn, giảm xuống 2.994 năm 2017/2018 và tiếp tục giảm xuống 1.724 tấn năm 2019/2020, TAC giảm xuống còn 1.179 tấn năm 2020/2021. Nguồn cung cua tuyết ở biển Bering và Alaska cũng được dự kiến đạt mức thấp.

Nhu cầu nhập khẩu cua của thế giới năm 2021 phục hồi sau khi giảm năm 2020, tăng khoảng 16%. Các thị trường nhập khẩu cua lớn nhất gồm Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhu cầu cua tuyết và cua hoàng đế năm 2021 đạt mức cao. Tuy nhiên, nguồn cung cua lớn duy nhất trên thị trường là Nga trong năm 2021 phải đối mặt với khó khăn về logistics, thiếu container, cước vận tải tăng mạnh. Do vậy giá cua trở lên đắt đỏ vì phải gánh thêm nhiều chi phí.

Nhập khẩu cua của Mỹ tăng khoảng 18% năm 2021. Nguồn cung lớn nhất là Canada (chiếm tỷ trọng 50%), Nga (chiếm 20%) và Indonesia (9%). Nga là nguồn cung cua ổn định cho Mỹ nhờ nguồn lợi ngư trường dồi dào và sản lượng khai thác dự kiến tăng. Thị phần của các nhà cung cấp cua của Nga trên thị trường Mỹ vẫn tăng trong năm nay.

Nhập khẩu cua của Trung Quốc năm 2021 tăng khoảng 50%. Các nguồn cung chính gồm Nga, Indonesia và Mỹ.

Giá cua tại Mỹ năm 2021 tăng, có sản phẩm tăng tới 50%, buộc một số nhà hàng tại Mỹ phải bỏ món cua ra khỏi thực đơn. Tại thị trường Mỹ, năm 2021, giá ghẹ xanh tăng tới 60%, đạt trung bình khoảng 40 USD/pao.

Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục