Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững

Ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu giảm, giá cá tra liên tục giảm trong thời gian dài khiến người nuôi thua lỗ nặng. Treo ao, nghỉ nuôi là tình trạng của không ít vùng nuôi cá tra. Tuy nhiên, theo nhiều người, về sự giảm sút của ngành hàng cá tra hiện nay, không chỉ “đổ thừa” do dịch bệnh.

Để ngành cá tra có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, cần phải làm gì?

Giá cá giảm: Neo cá, treo ao

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ao trong các tháng đầu năm giảm thấp kéo dài, dao động từ 16.500- 19.000 đ/kg, giảm từ 2.000- 7.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2019. Với mức giá cá tra nguyên liệu như hiện nay thì người nuôi không có lời, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất của nghề nuôi. Giá cá giảm, nên sản lượng cá trong ao còn tồn đọng nhiều do người nuôi đang chờ tăng giá, hoặc không có DN thu mua.

Tính đến tháng 11/2020, toàn tỉnh có 17,39ha treo ao (2 vụ trở lên). Diện tích treo ao chủ yếu ở Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít, Bình Tân, TPVĩnh Long.

Ông Tạ Văn Thảo- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và thị trường, người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ cá tra. Giá cá tra xuống sâu khiến người nuôi thua lỗ nặng. Nguyên nhân do việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc- thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam- đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Hơn 1 tháng nay, giá cá tra có dấu hiệu hồi phục, ở mức trên dưới 22.000 đ/kg. Với mức giá này, người nuôi có thể huề vốn nhưng chưa có lời.

Nhiều hộ nuôi cá tra cũng cho hay, với tình hình giá cá như thời gian qua, sau khi bán cũng đã treo ao, ngưng thả nuôi, vì nuôi không lời. Thêm vào đó, trong mấy năm qua, hiệu quả sản xuất cũng đã thấp hơn do chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm, khiến tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn nuôi thương phẩm tăng cao.

Đó là chưa kể, giá giảm, thương lái kỳ kèo, hẹn lần hẹn lữa không thu hoạch đúng ngày hẹn khiến cá tra rơi vào cảnh “quá lứa”, người nuôi lỗ càng thêm lỗ. Chú Phan Văn Bảy (xã Chánh An- Mang Thít), cho hay: Khi cá đạt trọng lượng trên 1kg (quá lứa xuất khẩu), tốn nhiều thức ăn, nhưng tốc độ lớn bị chậm lại. Bán không được, người nuôi chỉ còn cách neo lại, “hy vọng mong manh” giá cá nhích lên được đồng nào hay đồng nấy”.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra cũng bày tỏ khó khăn khi gần như suốt một năm ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường xuất khẩu đã khó, DN còn gặp nhiều khó khăn do rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn; các quy định mới về EVFTA của thị trường EU,...

Dưới góc nhìn về biến đổi giá cá tra, TS. Tô Thị Kim Hồng- Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh- phân tích: Trong giai đoạn 2014- 2019, giá cá tra nội địa và xuất khẩu biến động nhiều. Hiện nay nhiều hộ nuôi cá tra còn chưa tham gia liên kết chuỗi nên thiếu tiếp cận thông tin về thị trường thông qua kênh dự báo thị trường của DN về giá cả, nhu cầu DN xuất khẩu, chất lượng sản phẩm... và phải chịu rủi ro cao khi biến động nhu cầu thị trường”- TS. Tô Thị Kim Hồng cho biết thêm. 

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 217 cơ sở nuôi cá tra thâm canh với trên 457ha (đang thả nuôi 287,93ha, giảm 13,7% so cùng kỳ; chưa thả lại gần 129ha, tăng 46,16ha so với cùng kỳ). Trong đó, có 21 công ty nuôi với diện tích nuôi gần 250ha (chiếm trên 54% tổng diện tích nuôi) và 196 hộ gia đình nuôi. Sản lượng cá tra đến thời điểm hiện tại ước đạt gần 86.000 tấn, giảm 35,4% so với cùng kỳ.

Giải pháp nào để phát triển ổn định và bền vững?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ cá tra trong nước và thế giới vẫn rất lớn, vấn đề là làm sao tiếp cận được thị trường mới, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất tiêu thụ để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững dựa trên sự dự báo trước xu thế biến động giá trên thị trường.

Điển hình là khâu thống kê, cập nhật tình hình sản xuất như: số liệu diện tích thả nuôi, diện tích, sản lượng thu hoạch, thông tin về giá cả, sự biến động thị trường... cần được thực hiện thường xuyên để tạo cơ sở cho các DN và hộ nông dân sản xuất chủ động lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Các công ty chế biến cá tra cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng thực phẩm theo hướng tiện dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các công ty chế biến cá tra cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng thực phẩm theo hướng tiện dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để gia tăng tính bền vững của ngành hàng sản xuất và xuất khẩu cá tra, theo TS. Tô Thị Kim Hồng, các hộ nông dân và DN cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, bao gồm liên kết theo chiều dọc hay theo chiều ngang, từ khâu sản xuất và ương cá giống, thức ăn, nuôi thịt, chế biển theo quy trình khép kín từ khâu ương nuôi cá bố mẹ, sản xuất cá giống đến chế biến, nhằm giảm giá thành sản xuất; từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Liên kết nhiều hơn giữa nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất, nhà chế biến và nhà xuất khẩu còn có thể rút ngắn quá trình sản xuất, đồng thời có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc thủy sản.

Đồng thời, trong quá trình sản xuất cá tra, đặc biệt ở các hộ nông dân, cần tuân thủ những quy trình sản xuất tiên tiến đã được chuẩn hóa nhằm đảm bảo vấn đề chất lượng của sản phẩm; cần chủ động cải thiện chất lượng di truyền của nguồn giống cá tra, các công ty chế biến cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng thực phẩm từ cá tra theo hướng tiện dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm,...

“Song song đó, cần tăng cường thông tin rộng rãi đến cho những hộ nông dân nuôi cá và các DN thủy sản vừa và nhỏ về việc ký kết các hiệp định thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác, những thay đổi trong yêu cầu sản phẩm hay các rào cản thương mại ở các thị trường nhập khẩu chính”- TS. Tô Thị Kim Hồng cho biết thêm.

Ông Tạ Văn Thảo cho biết: Thời gian tới, sẽ nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản chuyển đổi đối tượng nuôi cá có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, kiểm tra chất lượng giống thủy sản, hướng dẫn người nuôi kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt; tổ chức triển khai các hướng dẫn quy định hiện hành về kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi, sản xuất và chế biến cá tra; quản lý hoạt động và quản lý môi trường nuôi cá tra và tăng cường kiểm tra, xử lý về chất lượng thức ăn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

TS. Tô Thị Kim Hồng- Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh

Tiêu thụ nội địa của sản phẩm cá tra chỉ chiếm 10% trong tổng sản lượng của cả nước, hoạt động đáng kể trong ngành sản xuất cá tra là xuất khẩu các sản phẩm cá tra đã qua chế biến. Tính đến nay, mặt hàng cá tra của Việt Nam đã xuất khẩu qua hơn 54 quốc gia. Trong đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 thị trường truyền thống nhập khẩu mặt hàng cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020. Tính riêng 4 nước này, giá trị xuất khẩu chiếm 58,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

(Theo báo Vĩnh Long)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục