Quý IV 'đuối sức', doanh thu và lợi nhuận cả năm VHC vẫn cán mốc lịch sử

Sau khi lập đỉnh vào quý II/2022, quý IV là quý thứ hai liên tiếp Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) chứng kiến đà suy giảm của doanh thu và lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh lập đỉnh

Ba tháng cuối năm 2022, doanh thu thuần của VHC giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.484 tỷ đồng - là doanh thu quý thấp nhất trong năm. Do giá vốn tăng nhanh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 26% so với cùng kỳ, còn 474 tỷ đồng.

Quý này, hoạt động tài chính là điểm sáng khi doanh thu tăng gấp đôi, đạt 118 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng tăng cực mạnh 8,5 lần lên 136 tỷ đồng. Chi phí vận hành doanh nghiệp cũng gia tăng đáng kể, cụ thể: chi phí bán hàng tăng 43% lên 133 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% lên 88 tỷ đồng.

Trong khi sản lượng bán và sản lượng sản xuất suy giảm, các loài chi phí lại neo ở mức cao nên quý IV/2022, VHC chứng kiến lợi nhuận trước thuế “đi lùi” 56% so với cùng kỳ năm trước, còn 233 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi lập đỉnh vào quý II/2022, quý IV là quý thứ hai liên tiếp cả doanh thu và lợi nhuận của VHC đều suy giảm trong năm.

VHC

Dù quý IV "đuối" song nhờ các quý trước tăng trưởng tốt nên doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của VHC lập đỉnh. Ảnh minh hoạ

Dù quý IV có vẻ đuối song nhờ các quý trước tăng trưởng tốt nên luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của VHC tăng trưởng 46% so với năm trước, đạt 13.239 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của mảng bán thành phẩm (đạt 10.083 tỷ đồng, tăng 61%, chiếm 75%); theo sau là mảng bán phụ phẩm (đạt 2.166 tỷ đồng, tăng 29%, chiếm 16%).

Biên lợi nhuận gộp năm 2022 được cải thiện từ 19,2% lên 22,4%; nhờ vậy lợi nhuận gộp tăng trưởng 69%, đạt 2.974 tỷ đồng.

Nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện, doanh thu tài chính trong năm tăng trưởng gấp đôi, đạt 459 tỷ đồng; cùng đó chi phí tài chính tăng gần bốn lần, đạt 396 tỷ đồng. Chi phí vận hành doanh nghiệp cũng gia tăng, cụ thể: chi phí bán hàng tăng 23%, đạt 422 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 40%, đạt 298 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, VHC bỏ túi 2.320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 82% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng 2.014 tỷ đồng, tăng 82%.

Như vậy, năm 2022, VHC đã thiết lập đỉnh mới cả về doanh thu và lợi nhuận; EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) đạt gần 11.000 đồng.

Năm 2022, VHC kỳ vọng doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng; đem về 1.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với thành quả trên, VHC đã vượt xa các chỉ tiêu đề ra trong năm.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VHC tăng 32% so với đầu năm, đạt 11.580 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tương đương tiền tăng 2,8 lần so với đầu năm, đạt 554 tỷ đồng. Cùng với 1.664 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, tổng cộng VHC có khoảng 2.218 tỷ đồng tiền mặt.

Đáng chú ý, VHC đang đầu tư 179 tỷ đồng vào các cổ phiếu NLG, DXS, KBC - tăng 100 tỷ đồng so với đầu năm và công ty đang phải dự phòng giảm giá khoảng 76,5 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc năm 2022, nợ phải trả của VHC tăng 36% so với đầu năm, đạt 3.884 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay của công ty tăng 26%, đạt 2.388,5 tỷ đồng, chỉ chiếm 21% tổng nguồn vốn.

Ngành thuỷ sản nhiều khó khăn trong 2023

Dự báo về triển vọng ngành thuỷ sản trong năm 2023, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết ngành thủy sản đã qua thời kỳ đỉnh cao, xuất khẩu thuỷ sản thời gian tới không mấy tích cực do lạm phát gây tác động tiêu cực đến các thị trường nhập khẩu, nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 đình trệ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thủy sản ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận trong năm 2022 - là dấu hiệu cho thấy ngành đang bước vào chu kỳ đi xuống.

KBSV cũng nhận thấy giá tôm nguyên liệu và giá cá tra dù đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Mặc dù dự kiến giá nguyên liệu sẽ có xu hưởng giảm trong năm 2023, nhưng sẽ vẫn ở mức cao do chi phí nuôi cao trong khi tốc độ giá bán giảm nhanh hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Đối với nhóm thủy sản, dù kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng, tuy nhiên hiện hàng tồn kho các nhà máy đang tăng, sản lượng thu hoạch cao và giá cá nguyên liệu đang trong xu hướng giảm do đó việc Trung Quốc mở cửa cũng khó tạo ra đột biến cho cá tra Việt Nam.

Dù vậy, KBSV vẫn nhìn thấy một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ cho ngành thuỷ sản trong năm 2023 gồm: Trung Quốc - thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mở cửa nền kinh tế sau khi từ bỏ "Zero-COVID" giúp nhu cầu tại các nhà hàng, khách sạn tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với cá rô phi tại nước này nên KBSV cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa chỉ giảm bớt áp lực tăng trưởng chứ không tạo sự bùng nổ tại thị trường này.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá việc Trung Quốc mở cửa sẽ bù đắp cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU; nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp thuỷ sản trong nửa đầu năm 2023.

Đối với ngành thủy sản nói chung, SSI dự báo giá bán bình quân sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu, qua đó, dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.

“Tỷ suất lợi nhuận gộp của nhóm công ty thuỷ sản sẽ giảm vào năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng. Nhìn chung, chúng tôi dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023”, SSI khuyến nghị.

Bảo Ngọc (Theo Kinh tế chứng khoán)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục