(vasep.com.vn) Suốt năm 2020, việc ngành thuế quả quyết cho rằng hàng thủy sản “chế biến” là “sơ chế” để áp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20% đã gây vướng mắc cho các DN hội viên VASEP. Chỉ bởi cơ quan thuế thực thi theo Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 mà đa số mặt hàng thủy sản chế biến XK bị áp sang là hàng “sơ chế” và không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN. Đây là điều gây nhiều bức xúc cho cộng đồng DN.
Theo những văn bản này, nhiều DN chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu bị áp thuế TNDN là 20% thay vì 10% (vùng đặc biệt khó khăn) hoặc 15% trong khi khái niệm hàng chế biến không rõ ràng, xác đáng. VASEP đã nhiều lần có văn bản phản ánh lên cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. UBND một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng bức xúc và có kiến nghị lên trên như Cà Mau, Kiên Giang. Hơn nữa, Bộ NN&PTNT cũng có công văn đồng thuận với ý kiến của VASEP.
Quá trình phản ảnh kéo dài qua nhiều cuộc họp có tham vấn ý kiến nhiều Bộ ngành liên quan, nhất là VASEP phải có nhiều văn bản giải trình, kiến nghị và nhiều thời gian ứng xử xử lý vấn đề này. Cuối cùng, kiến nghị tha thiết này của các doanh nghiệp thông qua VASEP cũng được Bộ Tài chính đồng ý bằng Công văn số 2550/BTC-TCT (CV 2550) vào ngày 12/3/2021.
Tại CV 2550, Bộ Tài chính xác nhận ba hoạt động: (1) Chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18 độ C; (2) chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và (3) chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng (GTGT) đều là hoạt động chế biến thủy sản. Như vậy, các sản phẩm thủy sản từ các hoạt động này được áp dụng chính sách ưu thuế TNDN đối với hàng chế biến theo quy định của pháp luật...
Ngẫm lại, CV 2550 có giá trị thực hiện từ lúc nào? Về lý thuyết khi thống nhất nội dung, khái niệm hàng chế biến là mặc nhiên việc áp thuế không ưu đãi vừa qua là SAI. Như vậy, phải trả lại quyền lợi ưu đãi cho các DN CBTS để thực thi theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy sẽ tạo được sự phấn khởi, tăng thêm sự yên tâm để các DNCBTS nỗ lực thúc đẩy phát triển hoạt động của mình. Tuy nhiên, lại theo phản ảnh từ không ít DN CBTS vướng mắc thực tế là các cơ quan tính thuế cấp tỉnh không tính hồi tố, cho rằng văn bản 2550 (ngày 12/3/2021) không có nói hồi tố, nên chỉ áp dụng từ lúc ban hành văn bản này! Theo phản ảnh của Hội viên, chắc VASEP phải tiếp tục phản hồi lên Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế.
Ngẫm nghĩ khác, hàng giá trị gia tăng, không hẳn là hàng có kết tinh nhiều hơn chi phí lao động và các phụ liệu hỗ trợ. Phải có cái nhìn rộng hơn. Thí dụ tôm nguyên con bán vào các siêu thị cao cấp. Muốn đạt chuẩn, phải tốn nhiều thời gian, chi phí bảo quản từ lúc thu hoạch. Quá trình chế biến cũng chi ly, kỹ lưỡng và sản phẩm là những con tôm tốt nhất. Giá bán dĩ nhiên rất cao, ít ra tăng thêm 20% và cao hơn. Bán được cả đầu tôm, vỏ tôm với giá cao (kèm thịt tôm) là việc nên khuyến khích nhằm nâng cao giá trị, nâng tầm sản phẩm. Nhưng loại tôm này “ưu tiên” tính vào tôm sơ chế vì theo khái niệm, tôm này chưa qua “chế biến”. Sự cứng nhắc của “văn bản” đôi lúc trở thành vật cản dòng chảy xã hội!
Tóm lại, cá nhân tôi hết sức ngưỡng mộ và bày tỏ tình cảm cám ơn các thành viên văn phòng VASEP đã tốn nhiều công sức chăm lo cho quyền lợi chính đáng của Hội viên. VASEP cũng đã có ngay văn bản cám ơn Bộ NN&PTNT đã kịp thời đồng hành với VASEP. Đây chỉ là một bao nhiêu việc VASEP, nhất là lãnh đạo văn phòng VASEP ở TPHCM lẫn HN, đã nỗ lực vì Hội viên nói riêng và cộng đồng DNCBTS nói chung. Tuy nhiên, còn một sợi dây ngáng chân phía trước, chắc VASEP ráng lo cho chót, góp phần để năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triền ngành thủy sản đến năm 2030 tầm nhìn 2045 (Thủ tướng ban hành theo quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021) đạt kết quả tốt hơn, nền tảng vững cho giai đoạn mới của ngành.
Hồ Quốc Lực
Ghi chú: Bài có sử dụng một số nội dung liên quan copy trên internet