VASEP góp ý các dự thảo thông tư về nghề, công việc cho lao động chưa thành niên, danh mục công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm

(vasep.com.vn) Ngày 14/7/2020, VASEP đã gửi Công văn số 100/2020/CV-VASEP tới Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội – Bộ LĐ-TB&XH) góp ý các dự thảo Thông tư về nghề, công việc cho lao động chưa thành niên, danh mục công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm.

Dự thảo Thông tư ban hành danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm

Về tên của dự thảo thông tư này, VASEP đề nghị sửa lại thành “Thông tư ban hành danh mục công việc nhẹ dành cho người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm”. Đồng thời, VASEP đề nghị xem xét bỏ quy định tại khoản 3, Điều 2 của Dự thảo do tại các quy định của Bộ Luật Lao động 2019 về Lao động chưa thành niên từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi (Chương XI Mục I) không có quy định nào về việc người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản về việc tuyển dụng lao động chưa thành niên từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi: Khi tuyển dụng lần đầu người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Hơn nữa, không yêu cầu DN phải làm đủ 3 việc (sơ kết, tổng kết, báo cáo) như tại khoản 4, mà xem xét chỉ một thủ tục rõ ràng liên quan đến vấn đề này (báo cáo) cùng với việc báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Việc đưa thêm quy định này là tạo ra thêm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, làm gia tăng thêm chi phí, nhân lực và tiêu tốn thời gian cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, đi ngược lại chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp của Chính phủ.

Dự thảo quy định danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể làm thêm giờ, làm việc ban đêm

VASEP đề nghị sửa tên của dự thảo thông tư thành: “Thông tư quy định danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm”.

Tại Khoản 3 Điều 3 của Dự thảo về trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc: Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Thông tư này định kỳ hằng năm báo cáo Sở LĐ – TB và XH địa phương trong báo cáo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động”. VASEP đề nghị Ban soạn thảo Xem xét không yêu cầu DN phải làm đủ 3 việc (sơ kết, tổng kết, báo cáo) như tại khoản 4, mà xem xét chỉ một thủ tục rõ ràng liên quan đến vấn đề này (báo cáo) cùng với việc báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm 

Tại mục 26 thuộc danh mục trên, VASEP đề nghị sửa đổi lại như sau:

“26. Các nghề, công việc trong lĩnh vực Da giày và Chế biến thủy hải sản trừ các nghề, công việc trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành )./.  đối với lĩnh vực Da giày và các nghề, công việc sau đối với lĩnh vực Chế biến thủy hải sản :

1.             Vận hành nồi hơi

2.             Vận hành hệ thống máy lạnh

3.             Vận hành hệ thống xử lý nước thải

4.             Vận hành xe kéo container

5.             Công nhân cơ khí

6.             Nhân viên phòng kiểm nghiệm

7.             Công nhân bộ phận chiên

8.             Công nhân làm việc trong kho đông lạnh”

VASEP cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 3/3/1999 về danh mục “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” trong đó quy định công việc "chế biến thủy, hải sản đông lạnh” được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại IV. Đây cũng là cơ sở khiến DN thủy sản Việt Nam sẽ không được sử dụng các lao động chưa thành niên (đủ 15 đến dưới 18 tuổi) làm trong khuôn viên nhà máy chế biến thủy sản, kể cả những việc hết sức giản đơn như bóc tôm, rửa tôm, phân cỡ tôm... Tuy nhiên, do đặc thù của ngành chế biến thủy hải sản, do nếu nguyên liệu đã về nhà máy, nếu để lại quá lâu không được đưa vào chế biến thì sẽ giảm chất lượng và an toàn thực phẩm nên các nhà máy đều cố gắng để chế biến hết trong ngày, thậm chí công nhân có khi phải làm thêm giờ.

Bất cập này đã được VASEP phản ánh với Bộ LĐ-TB&XH tại các công văn: công văn số 200/2017/CV-VASEP ngày 15/12/2017, công văn số 22/2018/CV-VASEP ngày 26/1/2018, công văn 83/2018/CV-VASEP ngày 28/5/2018 và gần đây nhất là công văn 54/2019/CV-VASEP ngày 13/6/2019 gửi Bộ LDDTBXH và Bộ NNPTNT kiến nghị vướng mắc về danh mục công việc trong ngành chế biến thủy sản không được phép sử dụng lao động chưa thành niên.

Dự thảo thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc

VASEP đề nghị bổ sung thêm quy định trong trường hợp lao động chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi nhưng không có cha mẹ hoặc người giám hộ vào Dự thảo với lý do nhiều trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ (không có cha mẹ hoặc người giám hộ) hiện đang làm việc phụ giúp trong các quán ăn, hàng nước bình dân, người giúp việc gia đình... trường hợp này, trong dự thảo Thông tư lại chưa có quy định cụ thể.

Dự thảo thông tư ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Ngày 3/3/1999, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH về danh mục “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” trong đó xếp công việc "chế biến thủy, hải sản đông lạnh” vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại IV khiến DN thủy sản Việt Nam không được sử dụng các lao động chưa thành niên (đủ 15 đến dưới 18 tuổi) làm trong khuôn viên nhà máy chế biến thủy sản, kể cả tại những công đoạn đơn giản như bóc tôm, rút chỉ tôm, phân cỡ tôm, rửa tôm, cá, phi lê cá, rút xương cá, vệ sinh nhà xưởng... Đây cũng là những công việc đơn giản thường thấy ở trong gia đình nên không thể coi là những công việc độc hại, nguy hiểm.

Ngày 28/5/2018, VASEP cũng đã gửi Công văn số 83/2018/CV-VASEP tới Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Danh mục các vị trí công việc không được sử dụng lao động chưa thành niên trong ngành chế biến thủy sản, cụ thể là: (1) Vận hành nồi hơi; (2) Vận hành hệ thống máy lạnh; (3) Vận hành hệ thống xử lý nước thải; (4)  Vận hành xe kéo container; (5) Công nhân cơ khí; (6) Nhân viên phòng kiểm nghiệm; (7) Công nhân bộ phận chiên và (8) Công nhân làm việc trong kho đông lạnh.

Do vậy, VASEP đề nghị bỏ các mục 2, 3, 4, 5, 21 trong bảng “Điều kiện lao động loại IV”, phần XXXIV “Thủy sản” và thay bằng 8 vị trí công việc nêu trên.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM