Lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu “vướng’’ vì yêu cầu phải có Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh

(vasep.com.vn) Ngày 12/9/2017, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 136/2017/CV-VASEP tới Bộ NN và PTNT kiến nghị tháo gỡ vướng mắc khó khăn về nguyên liệu thủy sản NK phải có H/C do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp.

Thời gian qua, VASEP đã nhận được phản ánh của một số DN hội viên về các bất cập liên quan đến quá trình thực thi Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26/2016) ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, một vấn đề bất cập mà các doanh nghiệp đang gặp phải là yêu cầu lô nguyên liệu thủy sản NK phải có Giấy chứng nhận An toàn Vệ sinh - H/C (Health Certificate) do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp (ngoại trừ nhập khẩu bằng tàu cá).

Tuy nhiên, trong thực tế, người bán không thể cung cấp H/C phù hợp theo yêu cầu của Việt Nam trong một số trường hợp điển hình đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua.

Ví dụ như, lô nguyên liệu đó đánh bắt trên ngư trường, được vận chuyển bằng tàu cá (có quốc tịch một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc…) đến cảng ngoại quan (bounded port) ở Thái Lan để dỡ hàng đóng vào container và xuất về Việt Nam. Việc dỡ hàng tại cảng ngoại quan để đóng vào container xuất về Việt Nam được thực hiện bởi đại lý vận tải (freight forwarder) của chủ hàng (là người bán ở Nhật Bản, Singapore…). Việc dỡ hàng và đóng hàng vào container được giám sát chặt chẽ của Hải quan của cảng ngoại quan đó.

Việc người bán không thể lấy H/C cho lô hàng với lý do như sau: Thái Lan không cấp H/C cho chủ thể ở nước khác (vì tàu cá là của Đài Loan, Hàn Quốc..., chủ hàng thì lại ở Nhật, Singapore..). Hơn nữa đối với cảng ngoại quan, đây là nơi được xem như khu vực không thuộc kiểm soát của nội địa Thái Lan mà do hải quan ngoại quan kiểm soát, không thể nào yêu cầu cơ quan nào cấp H/C cho lô hàng không thuộc quyền quản lý của họ. Đại lý vận tải chỉ đại diện chủ hàng để thực hiện các việc logistic như dỡ hàng, đóng hàng và làm thủ tục xuất container về Việt Nam, không làm các thủ tục về xin cấp H/C. Chủ hàng (Nhật, Singapore....) cũng không thể yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước mình cấp H/C cho lô hàng vì lô hàng không cập cảng Nhật, Singapore.

Trong kinh doanh quốc tế, một số lô hàng chỉ được xác định người mua khi hàng đang trên biển. Khi đạt được thỏa thuận với người mua Việt Nam về giá cả thì ngưới bán không thể nào đáp ứng được yêu cầu phải có H/C cho lô hàng. Vì vậy, kết quả là việc mua bán với Việt Nam không thực hiện được.

Một số trường hợp DN Việt Nam nhập nguyên liệu về để sản xuất XK đi EU: Cơ quan thẩm quyền nước XK cấp được H/C cho lô nguyên liệu nhập bằng container nhưng mẫu H/C là mẫu định sẵn nên không thể chèn thêm câu chữ “meet with EU regulation” do Bộ NN và PTNT qui định nên khi DN mua về cũng không thể xuất khẩu đi EU.

Theo VASEP, dù còn có những bất cập cần rà soát, tuy nhiên cần xem xét kỹ qui định này đối với từng nhóm mặt hàng. Một số sản phẩm hoặc một số thời điểm đang thiếu hụt nguyên liệu thủy sản thì không nên hạn chế nhập khẩu nguyên liệu mà Nhà nước nên tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho DN không bị hạn chế nguồn nguyên liệu, gia tăng năng lực cạnh tranh mà vẫn đảm bảo được yêu cầu quản lý Nhà nước, VASEP và các DN XK thủy sản kiến nghị:

Đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu không có H/C do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp thì cho phép Cơ quan thẩm quyền Việt Nam (Cơ quan Thú y hoặc NAFIQAD) tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích rồi cấp H/C để DN được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với lô nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu đi EU, nếu lô hàng đã đáp ứng qui định IUU1005 nhưng chỉ thiếu H/C hoặc H/C không có câu chữ “meet with EU regulation” như cơ quan thẩm quyền Việt Nam yêu cầu thì cho phép Cơ quan thẩm quyền Việt Nam (Cơ quan Thú y hoặc NAFIQAD) tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích để chứng nhận cho lô nguyên liệu đủ điều kiện để XK sang EU.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM