Áp dụng “3 tại chỗ”: vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh

(vasep.com.vn) Ngày 14/7/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng ký văn bản thống nhất hướng dẫn vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước.

Áp dụng “3 tại chỗ” vừa cách ly vừa sản xuất kinh doanh

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo các điều kiện an toàn.

Yêu cầu các doanh nghiệp được bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này.

Việc bố trí làm việc, nơi ở tập trung tại doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp

- Về nguy cơ lây nhiễm COVID-19: ở mức nguy cơ thấp trở xuống (<30%) theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- Đã thực hiện ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; có kế hoạch phòng, chống COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế (mẫu Kế hoạch theo Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế).

- Không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế.

- Tại khu vực thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, nếu bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và bố trí khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong doanh nghiệp.

- Bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và đảm bảo rút ngắn tối đa quãng đường, tối thiểu cung đường vận chuyển người lao động với phương châm 01 cung đường vận chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.

- Người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.

- Tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Điều kiện đối với người lao động

- Địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương.

- Địa phương đang thực hiện giãn cách mà cần phải bố trí người lao động lưu trú tập trung tại doanh nghiệp để phòng dịch, hoặc nơi lưu trú tập trung do doanh nghiệp tổ chức thì người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung. Trong thời gian ở khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người lao động có thể phải tiếp tục được xét nghiệm.

Đối với người sử dụng lao động

- Doanh nghiệp thực hiện 03 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.

- Yêu cầu nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách khác theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của địa phương quy định và các quy định pháp luật hiện hành; chăm lo đảm bảo trước hết, trên hết quyền lợi và an toàn cho người lao động.

- Chủ động tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cho người lao động, không để tình trạng hoảng loạn, mất trật tự, an toàn, không để đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng gây bất ổn trong doanh nghiệp.

- Phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại doanh nghiệp.

đ) Lập danh sách thông tin người lao động theo mẫu và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hàng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Tp.HCM: Tối ngày 13/7, UBND TP.HCM ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất từ ngày 15/7. Theo đó, TP chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các DN đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án “một cung đường - 2 địa điểm” - vận chuyển tập trung công nhân (CN) từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho CN.

DN phải đảm bảo điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Ngoài ra, phải xét nghiệm đối với CN định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp DN không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Bình Dương: Ngày 17/7, Ban quản lý các KCN Bình Dương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải bổ sung biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nếu không thực hiện phương án “3 tại chỗ”, "1 cung đường, 2 địa điểm" thì phải buộc dừng hoạt động. Trước đó, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã xây dựng kịch bản tác động của dịch, đưa mô hình “3 tại chỗ” (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất) nhằm đảm bảo không ngừng sản xuất và chăm lo sức khỏe cho người lao động. Đến ngày 7/7, đã có 46 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cho khoảng 10.000 công nhân, người lao động.

Tiền Giang: Ngày 14/7, đại diện Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã thông qua nội dung Công văn số 3584/UBND-KT ngày 12/7/2021 và Công văn 3641/UBND-KT ngày 13/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó tại mục 2 của văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, xây dựng ngay phương án bố trí nơi ăn, nghỉ, làm việc cho công nhân lao động tại cơ sở theo phương châm “3 tại chỗ”.

Long An: Đến hết ngày 14/7, tức là 2 ngày sau khi tỉnh Long An yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ), đã có trên 360 doanh nghiệp đăng ký duy trì hoạt động theo cách này

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM